Trước tình trạng, bệnh nhân ngộ độc Botulinum không có thuốc giải độc vì BAT là loại thuốc hiếm, đắt tiền nên Bộ Y tế đã phải đi xin viện trợ của Tổ chức Y tế thế giới. Thuốc về nhưng bệnh nhân cũng không sử dụng được do quá "thời gian vàng".
ThS.DS Lê Quốc Thịnh, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện TƯ 71 đã phân tích các vấn đề liên quan đến thuốc hiếm:
Thuốc hiếm là thuốc ít được sử dụng, ít công ty cung ứng và giá thành đắt nên mới gọi là thuốc hiếm.
Đa số các loại thuốc này ngành dược chúng ta chưa sản xuất được, mà phải nhập ngoại là chủ yếu. Bộ Y tế phải là đầu mối, đứng ra tổng hợp danh mục, nhu cầu và số lượng để dự phòng cho cả nước là bao nhiêu trường hợp, dự trữ trong kho thuốc với điều kiện chuyên biệt ở Hà Nội và TP HCM. Rồi sau đó điều tiết khi cần là hay nhất.
Thuốc hiếm BAT dùng giải độc Botulinum |
Ngày 24/5, Sở Y tế TP.HCM tiếp nhận 6 lọ thuốc BAT dùng giải độc Botulinum vận chuyển từ kho tại Thụy sĩ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về Việt Nam. Có được thuốc này là nhờ sự chỉ đạo trực tiếp từ Bộ trưởng Bộ Y tế.
Vậy vấn đề là mỗi khi có bệnh mà lại cứ phải chạy đi xin WHO hỗ trợ theo kiểu này thì việc dự trữ thuốc hiếm cho những trường hợp cấp cứu tối khẩn cấp không có thuốc thay thế cần phải làm rõ là trách nhiệm của ai?
Đây không phải lần đầu ta cần đến thuốc này mà tình trạng tương tự đã xảy ra năm 2020, để điều trị các ca nhiễm độc tố botulinum do sử dụng pa tê chay, Bộ Y tế cũng đã phải đề nghị WHO hỗ trợ tìm kiếm nguồn cung thuốc BAT và WHO đã hỗ trợ rất kịp thời 10 lọ thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (A, B, C, D, E, F, G) - (Equine). Chắc chắn trong tương lai, việc cần có ngay các loại thuốc giải độc hiếm sẽ còn phải cần đến nữa.
BAT là thuốc gồm hỗn hợp các Globulin miễn dịch phân mảnh được chỉ định trong điều trị ngộ độc thần kinh gây ra bởi chất độc Botulinum týp A, B, C, D, F hoặc G ở người lớn và trẻ em.
Thuốc được sản xuất bởi Emergent Biosolutions Canada Inc. 6 lọ thuốc WHO hỗ trợ có hạn dùng đến ngày 1/3/2025. Thuốc phải được bảo quản nghiêm ngặt ở nhiệt độ dưới -15 độ C. Sau khi làm tan băng, phải bảo quản ở nhiệt độ 2 đến 8 độ C, cho đến khi sử dụng trong thời hạn 36 tháng. Giá thị trường mỗi lọ BAT hơn 8.000 USD và không dễ mua.
Bệnh nhân ngộ độc Botulinum có chỉ định dùng thuốc BAT mà được dùng thuốc BAT sớm, thì chỉ trong vòng 48 đến 72 giờ là có khả năng thoát ra khỏi tình trạng bị liệt, nhờ đó có cơ hội không phải thở máy.
Trường hợp bệnh nhân bắt đầu thở máy từ 24h đến 48h kể từ khi ngộ độc, nếu được dùng thuốc BAT kịp thời, thì trong khoảng thời gian từ 5 đến 7 ngày, bệnh nhân có thể hồi phục, đồng thời, có thể cai được máy thở, tập vật lý trị liệu...
Từ ngày 13/5/2023, TPHCM đã ghi nhận 6 người (đều ở tại TP Thủ Đức) xuất hiện các triệu chứng của ngộ độc botulinum. 5 trường hợp đã ăn bánh mì kèm với một loại chả lụa bán dạo, người còn lại ăn một loại mắm để lâu ngày.
Như vậy, sau hơn 10 ngày kể từ khi có ngộ độc, thuốc giải độc mới về được với bệnh nhân. Đã có trường hợp bệnh nhân quá nặng không còn cơ hội được dùng loại thuốc này.
Thuốc giải độc dùng càng sớm sẽ càng hiệu quả, giúp trung hòa botulinum còn lại trong máu, ngăn độc tố không tấn công vào hệ thần kinh và giảm triệu chứng nặng, cứu sống người bệnh.
Không thể cứ đến khi có bệnh nhân rồi mới chạy đôn đáo để xin thuốc từ quốc tế. Thuốc hiếm, đắt tiền, nhưng vì sinh mạng người bệnh cần phải có kế hoạch bảo quản, dự trữ tại các Bệnh viện, nhất là các Bệnh viện lớn.
Những thuốc giải độc quý hiếm, đắt tiền như BAT cần được mua dự trữ trong chương trình dự phòng quốc gia, có điều phối của cơ quan chức năng quản lý về các loại thuốc nói chung cũng như thuốc hiếm, đắt tiền nói riêng.
Điều kiện bảo quản hay giá trị kinh tế đều là vấn đề thứ yếu, khi đã có kế hoạch cung ứng và mua sắm dự phòng từ trước.
ThS Lê Quốc Thịnh (Trưởng khoa Dược, Bệnh viện TƯ 71)
Trước tình trạng không có thuốc điều trị các trường hợp ngộ độc Botulinum vừa xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ y tế đang khẩn trương hình thành 3-6 trung tâm dự trữ thuốc hiếm trong nước. 15 – 20 loại thuốc hiếm sẽ được dự trữ, trong đó có botulinum.
Hiện nay, căn cứ pháp lý về thuốc hiếm cơ bản đã đầy đủ, do đó Cục Quản lý dược đã có những văn bản đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước cần chủ động trong công tác xây dựng nhu cầu, dự báo tình hình dịch bệnh, cũng như dự trù số lượng cần thiết và mua sắm thuốc đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điều trị, đặc biệt với các thuốc hiếm.