GIỚI TÍNH

3 trẻ ngộ độc botulinum: 1 xuất viện, 2 vẫn thở máy

  • Tác giả : Thúy Nga
Sau khi được truyền thuốc giải độc BAT và điều trị tích cực, 1 bé trai có tiến triển tốt, có thể đi đứng bình thường, hết sụp mi và chuẩn bị xuất viện. Hai bé còn lại vẫn nặng, phải thở máy.

Ngày 26/5, cập nhật thông tin sức khỏe về 3 bé bị ngộ độc Botulinum sau khi ăn bánh mỳ kẹp chả, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết:

Bệnh nhân chuẩn bị xuất viện là N.V.H., 14 tuổi, nhập viện ngày 15/5, chẩn đoán ngộ độc botulinum toxin từ thức ăn. Em được truyền tĩnh mạch ½ lọ BAT ngày 15/5 cùng với em Đ.

Hiện tại sức cơ 2 chi trên 5/5, sức cơ 2 chi dưới 5/5, đi đứng bình thường, hết sụp mi, thở khí trời, ăn uống được, tiêu tiểu bình thường. Đây là bệnh nhân có tiến triển tốt nhất, dự kiến xuất viện hôm nay (ngày 26/5/2023).

Bé N.V.Đ., 13 tuổi, nhập viện ngày 14/5, có tình trạng nặng nhất. Bé Đ. được chẩn đoán ngộ độc Botilinum toxin từ thức ăn. Em được truyền một lọ Botulinum Antitoxin Heptavalent (BAT) ngày 15/5 do Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ.

Hiện tại, Đ. có tiến triển khả quan hơn, thực hiện được theo y lệnh, kích thích đau đáp ứng. Mặc dù vậy, sức cơ tứ chi chưa cải thiện, sức cơ 2 chi trên 2/5, 2 chi dưới 2/5, còn sụp mi, chưa tự thở, liệt ruột, đã được mở khí quản ngày 24/5.

Hiện tại, bé Đ. tiếp tục thở máy thông số thấp, dinh dưỡng đường tĩnh mạch.

Bé N.T.X., 10 tuổi, nhập viện ngày 14/5, cũng được truyền một nửa lọ thuốc BAT cùng thời điểm với bé Đ. Tuy nhiên, sau đó trẻ diễn tiến suy hô hấp tăng dần, em được đặt nội khí quản chuyển khoa Hồi sức ngày 18/5.

Hiện tại, em tự thở yếu, sức cơ 2 chi trên 4/5, sức cơ 2 chi dưới 2/5, có nhu động ruột, cai máy một lần thất bại, còn thở máy thông số thấp, dinh dưỡng qua gavage.

Hai bé trai ở TP Thủ Đức được chẩn đoán ngộ độc Botilinum toxin từ thức ăn - Ảnh BVCCHai bé trai ở TP Thủ Đức được chẩn đoán ngộ độc Botilinum toxin từ thức ăn - Ảnh BVCC

Ngày 25/5/2023, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã hội chẩn với Bệnh viện Chợ Rẫy về hướng điều trị của 2 bé còn lại. Hiện cả hai sẽ được tiếp tục điều trị nâng đỡ (thở máy, dinh dưỡng, chống nhiễm trùng, chăm sóc nằm lâu) và không có chỉ định dùng BAT tiếp tục.

Như KH&ĐS đã thông tin, ba bé Đ., X., H. là anh em ruột trong gia đình. Trước đó, ngày 13/5, người dì của ba bé mua giò lụa từ người bán dạo không rõ nguồn gốc để ăn với bánh mì. Sau khi ăn khoảng 12-18 giờ cùng ngày, người dì và 3 bé đều xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, ói và tiêu chảy nhiều lần.

Ngày 14/5, cả 3 bé được đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng mệt lả. Bệnh nhi N.V.Đ có biểu hiện sụp mi, yếu 2 chân và đến 5 giờ sáng ngày 15/5 thì bị suy hô hấp, phải đặt nội khí quản thở máy. Hai bé còn lại là N.V.H và N.T.X cũng có biểu hiện sụp mi, yếu chân vào chiều ngày 14/5.

Đến sáng 15/5, hai bé này cũng xuất hiện sụp mi mắt, yếu dần tứ chi, sức cơ khoảng 4/5 nên Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã mời bác sĩ khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ do nghi ngờ các bệnh nhân bị ngộ độc.

Khoảng 15 giờ ngày 15/5, sau khi hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Chợ Rẫy thống nhất chẩn đoán nghi ngờ nhiễm độc botulinum do ăn giò lụa.

Ngay trong đêm 15/5, Bệnh viện Chợ Rẫy liên hệ với Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam để điều chuyển hai lọ thuốc BAT cuối cùng còn ở Việt Nam về TP.HCM. Ngay sau đó, 3 bệnh nhi được truyền thuốc giải độc, các bé đều ổn định không có biểu hiện bị phản vệ.

Vài ngày sau đó, TP.HCM tiếp tục ghi nhận 4 trường hợp ngộ độc Botulinum sau khi ăn chả lụa và mắm để lâu ngày. Tuy nhiên, số thuốc trung hòa độc tố đã cạn kiệt.

Đến đêm 24/5, 6 lọ thuốc BAT được gửi từ kho của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Thuỵ Sỹ đã về đến TP.HCM để dùng cho các bệnh nhân. Tuy nhiên, người đàn ông 45 tuổi điều trị ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tử vong vào tối cùng ngày.

Thúy Nga