KHOẺ ĐẸP

Bác sĩ mách cách tránh để nắng nóng ảnh hưởng tới đường huyết

  • Tác giả : Thúy Nga
Thời tiết cũng có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát đường huyết, tác dụng của thuốc cũng như sản xuất insulin. Do vậy, người bệnh đái tháo đường cần nắm những nguyên tắc cơ bản để chăm sóc sức khỏe khi thời tiết thay đổi.

Các bác sĩ bệnh viện Nội tiết TƯ cho biết, nhiệt độ tăng cao khiến người bệnh đái tháo đường cảm thấy nóng hơn so với người bình thường.

Các biến chứng của bệnh đái tháo đường như tổn thương mạch máu và dây thần kinh có thể ảnh hưởng đến tuyến mồ hôi khiến cơ thể không làm mát hiệu quả. Điều này dẫn đến kiệt sức vì nóng và say nắng.

Người bệnh đái tháo đường bị mất nước nhanh hơn người thường. Không kiểm soát đường huyết tốt trong mùa nắng nóng thì cơ thể sẽ gia tăng bài tiết nước tiểu nhiều, khiến cơ thể mất nước nhanh hơn. Việc mất nước có thể khiến cho đường huyết tăng cao.

Thời tiết nắng nóng, sự trao đổi chất cơ thể diễn ra nhiều hơn và cơ thể có khả năng hấp thụ nhiều insulin hơn, người bệnh còn đối diện nguy cơ hạ đường huyết.

Với những người bệnh đái tháo đường đang dùng thuốc lợi tiểu, có biến chứng lên thận, tim hoặc có bệnh lý khác đi kèm thì cần tham khảo ý kiến bác sỹ Nội tiết – Đái tháo đường để đưa ra tư vấn hợp lý cho việc uống nước.

Nước có vai trò quan trọng trong quản lý đường huyết

Nước có vai trò quan trọng trong quản lý đường huyết

Người bị kiệt sức vì nóng, mất nước thường có các triệu chứng như: nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi, chuột rút cơ bắp, co thắt dạ dày, da nhợt nhạt. Người bệnh cần được di chuyển đến nơi mát mẻ để nghỉ ngơi; sau đó, đưa tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Đường huyết có thể tăng hoặc giảm, thay đổi theo thời tiết cũng như tình trạng mỗi người bệnh. Khi thời tiết thay đổi, người bệnh nên thăm khám với bác sĩ Nội tiết – Đái tháo đường để được tư vấn phù hợp.

Để có mùa hè an toàn, người bệnh nên lưu ý:

- Nên hạn chế ăn các loại hoa quả có chỉ số đường huyết cao như nhãn, vải, mít, sầu riêng, dưa hấu… có thể ăn các loại táo, bơ, ổi, bưởi, đào, lê, mận, dâu tây…

- Uống đủ nước, tránh các loại nước ép/nước ngọt/đồ uống có đường có thể gây tăng đường huyết.

- Ăn nhiều chất xơ (chất xơ có khả năng làm chậm quá trình giải phóng đường vào máu, ngăn ngừa sự tăng vọt của đường huyết trong cơ thể).

- Kiểm tra mắt thường xuyên: Để tránh bị các bệnh nhiễm trùng mắt phổ biến vào mùa hè như viêm kết mạc hoặc nhiễm trùng mắt.

- Người bệnh nên thường xuyên kiểm tra đường huyết mao mạch

- Với người bệnh sử dụng thuốc tiêm insulin cần bảo quản tốt thuốc và tránh nắng. Bởi thời tiết nắng nóng dễ làm hỏng thuốc hay máy đo đường huyết,…

Thúy Nga