Bác sĩ Chuyên khoa Răng Hàm Mặt – Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, bệnh tiểu đường là bệnh lý mạn tính gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân trong đó hay gặp nhất là các bệnh về răng miệng. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm có thể khiến bệnh nhân gặp những hậu quả nặng nề.
Những bệnh răng miệng thường gặp khi tiểu đường
Viêm lợi: Các mảng bám do vi khuẩn và thức ăn hình thành, qua thời gian khi không được rửa sạch sẽ tạo thành cao răng. Vi khuẩn trong mảng bám và cao răng gây nên tình trạng viêm lợi, biểu hiện bởi lợi sưng nề, đỏ hoặc chảy máu lợi.
Viêm nha chu: viêm nha chu là giai đoạn phát triển tiếp theo của viêm lợi khi không được chữa trị kịp thời. Bệnh nha chu làm phá hủy mô mềm, xương và dây chằng quanh răng. Các túi nướu chứa đầy vi khuẩn và sinh mủ gây nên những hậu quả nghiêm trọng: tụt lợi, răng bị lung lay và rụng dần đi.
Bệnh nhân tiểu đường khi có lượng đường huyết cao trong máu là môi trường lý tưởng cho sự phát triển của vi khuẩn quanh răng làm tăng tốc độ tiến triển cùng như mức độ trầm trọng của bệnh viêm nha chu
Sâu răng: Các mảng bám trên răng được hình thành do sự kết hợp giữa thức ăn dư thừa bám trên kẽ răng và vi khuẩn nếu không được vệ sinh thường xuyên và đúng cách, về lâu dài sẽ sản sinh ra acid, tấn công lên bề mặt răng của bệnh nhân gây nên hiện tượng sâu răng.
Bệnh tưa miệng: Tưa miệng là do nấm Candida gây nên. Biểu hiện của tưa miệng là việc xuất hiện những đốm trắng và đỏ trên lưỡi, cảm giác đau trong miệng và những vết thương hở. Bệnh phát triển nhanh nếu lượng đường huyết của bệnh nhân không được kiểm soát chặt chẽ.
Khô miệng: là hiện tượng thường hay gặp ở bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường do quá trình bài tiết nước bọt bị suy giảm. Khô miệng cũng là một trong những nguyên nhân khiến bệnh nhân dễ mắc các bệnh lý vùng miệng như viêm loét, sâu răng, viêm lợi, nấm miệng…
Bác sĩ chỉ rõ cách chăm sóc răng miệng người bệnh tiểu đường thường mắc |
Biểu hiện của các vấn đề răng miệng ở bệnh nhân tiểu đường
- Lợi chân răng tự chảy máu hoặc chảy máu lợi khi chải răng hoặc khi ăn nhai
- Lợi bị sưng đỏ và có thể có mủ
- Tụt lợi làm răng dài hơn hoặc lợi tách khỏi răng hình thành các túi đọng thức ăn
- Răng lung lay, rụng răng
- Có nhiều cao răng, mảng bám khiến răng đen, ố vàng hoặc sâu răng, vỡ thân răng
- Miệng có mùi hôi
Cách chăm sóc răng miệng cho bệnh nhân tiểu đường
Những biến chứng của bệnh đái tháo đường lên răng miệng cho thấy chăm sóc răng miệng là điều vô cùng quan trọng với bệnh nhân. Các công việc cần làm để hạn chế biến chứng của bệnh:
- Kiểm soát lượng đường huyết: thông qua việc khám sức khỏe định kỳ với bác sĩ nội khoa, theo dõi, kiểm tra chỉ số đường huyết thường xuyên. Tuân thủ chỉ dẫn của các chuyên gia về thuốc điều trị, chế độ ăn uống, sinh hoạt để giữ lượng đường trong máu ở mức ổn định.
- Uống nhiều nước để tránh khô miệng và sử dụng kẹo cao su không đường để kích thích miệng tiết nước bọt.
- Vệ sinh răng miệng thường xuyên, đúng cách: Chải răng ít nhất 2 lần mỗi ngày sau các bữa ăn:
+ Lựa chọn bàn chải đánh răng: ưu tiên các bàn chải đánh răng có đầu nhỏ, lông mềm. Khi chải răng cần chú ý chải nhẹ nhàng nhằm hạn chế việc tổn thương mô lợi, tránh gây chảy máu lợi, chảy máu ở chân răng.
+ Bệnh nhân có thể sử dụng các sản phẩm kem đánh răng, nước súc miệng có chứa chất fluor để tăng cường khả năng ngừa sâu răng, viêm lợi.
-Nên sử dụng chỉ nha khoa, tăm nước để loại bỏ các mảng bám, thức ăn trên răng, đặc biệt ở vùng kẽ răng là vùng răng khó được làm sạch bằng cách chải răng thông thường
-Hạn chế các thói quen xấu ảnh hưởng tới răng miệng:
+ Không hút thuốc (do thành phần Nicotin trong thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh nha chu).
+ Hạn chế ăn các đồ ngọt, đồ ăn nhiều tinh bột để tránh tăng đường huyết và tăng nguy cơ sâu răng.
+ Thường xuyên khám nha khoa định kỳ.
Lưu ý :
Với bệnh nhân sử dụng hàm giả tháo lắp: Hàm giả nên được làm sạch sau mỗi bữa ăn. Không lắp hàm giả khi đi ngủ vì quá trình vận động không kiểm soát có thể làm tổn thương răng miệng. Khi thấy hàm giả không đạt chất lượng mong muốn (quá lỏng hoặc quá chật) cần khám lại với bác sĩ nha khoa để được điều chỉnh phù hợp.
Cung cấp đầy đủ thông tin về bệnh và thuốc đang sử dụng điều trị tiểu đường cho bác sĩ khi thăm khám và thực hiện các thủ thuật nha khoa.