GIỚI TÍNH

Bác sĩ chỉ cách xử trí viêm hạch sau tiêm phòng vắc xin lao

  • Tác giả : BS Nguyễn Hải Nam
Nhiều trẻ sau tiêm phòng vắc xin lao BCG thường xuất hiện hạch ở cổ và nách, thậm chí hóa mủ. Nhiều người lo sợ con bị lao nên điều trị. Vậy xử trí như thế nào cho đúng?

Cần chẩn đoán chính xác?

Nhiều trẻ sau tiêm phòng vắc xin Lao BCG bị sưng hạch vùng nách hay vùng cổ, vai...nên cha mẹ lo lắng. Trước tiên cần có chẩn đoán chính xác liệu đó có phải viêm hạch do phản ứng sau tiêm phòng Lao hay không?

Chẩn đoán dựa vào lâm sàng là chính:

- Hạch xuất hiện cùng bên cánh tay tiêm - thường là bên trái

- Hạch thường ở nách, một số ít có thể ở cổ

- Hạch xuất hiện sau tiêm phòng Lao từ 2 tuần - 6 tháng, được phát hiện ngẫu nhiên bởi người nhà trẻ

- Tỷ lệ gặp vào khoảng 0,6 - 1,33% số trẻ được tiêm phòng

Tổn thương hạch là tình trạng đáp ứng viêm của các hạch gần vị trí tiêm phòng Lao, chứ không phải là hạch lao trong bệnh lao hạch do đó điều trị bằng thuốc chống Lao 6- 9 tháng là không phù hợp.

Bác sĩ chỉ cách xử trí viêm hạch sau tiêm phòng vắc xin lao ảnh 1

Bác sĩ chỉ cách xử trí viêm hạch sau tiêm phòng vắc xin lao

Phân loại hạch

Hạch có 2 dạng hoá mủ và không hoá mủ.

Dạng không hóa mủ (đơn giản): Thường biểu hiện 1-3 hạch cứng chắc, liền nhau, có thể di động, không đỏ, không đau và không gây sốt. Trẻ vẫn sinh hoạt bình thường. Loại này thường sẽ tiến triển kéo dài và teo nhỏ dần theo tuổi.

Điều trị: chủ yếu điều trị bảo tồn và theo dõi. Nếu hạch tiến triển hoá mủ hoặc to trên 3 cm, tồn tại kéo dài 6-9 tháng thì cân nhắc phẫu thuật.

Dạng hóa mủ ( phức tạp): Là hạch viêm, có biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau, có thể sốt, trẻ quấy khóc khi sờ vào. Hạch có thể vỡ và rò mủ.Để chẩn đoán chính xác nhất là cần chọc hút tế bào hoặc mô bệnh học. Tuy nhiên việc này thường ít làm.

Điều trị có 2 phương pháp:

- Thứ nhất: Chọc hút dịch. Đây là biện pháp không để lại sẹo lồi và gây nhiễm trùng bội nhiễm khác. Tuy nhiên thường phải làm nhiều lần.

- Thứ hai: Mổ bóc tách hạch viêm. Đây là phương pháp triệt để nhất nhưng thường chỉ định sau khi chọc hút thất bại (thường trên 2 lần); hoặc siêu âm thấy tình trạng hạch viêm tạo nhiều xoang bên trong; hoặc dai dẳng từ 6- 9 tháng, kích thước to trên 3 cm. Cần dùng kháng sinh phòng bội nhiễm trong và sau mổ.

Như vậy, khi thấy xuất hiện các khối ở vùng nách trái sau tiêm phòng vắc xin lao BCG, cha mẹ không nên lo lắng, hãy đưa trẻ đến bác sĩ Nhi hoặc bác sĩ đào tạo về tiêm chủng để được khám và tư vấn.

BS Nguyễn Hải Nam (Trung tâm tiêm chủng Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Giang)

BS Nguyễn Hải Nam