Dự án "Ánh sáng hy vọng" kéo dài 1 năm, bắt đầu từ tháng 3/2021, nhằm hưởng ứng Tuần lễ Glôcôm Thế giới (7 - 13/3/2021) và Ngày Thị giác Thế giới (14/10/2021).
Theo đó, 1.300.000 người ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Tiền Giang sẽ tiếp cận với kiến thức về chăm sóc sức khỏe thị giác. 36.000 bệnh nhân được khám sàng lọc. 700 bệnh nhân được chẩn đoán có bệnh lý về mắt sẽ được chuyển tuyến để tiếp tục điều trị.
Chương trình “Ánh sáng hy vọng” tập trung hỗ trợ nhóm đối tượng là người lao động và trẻ em nghèo, dân tộc thiểu số, người khuyết tật và những người dễ bị tổn thương trong xã hội.
Theo ông Huỳnh Phúc Tân, Giám đốc Điều hành Dự án tại châu Á, Quỹ Fred Hollows cho biết: “9/10 trường hợp mù lòa có thể được ngăn chặn nếu phát hiện và điều trị kịp thời. Người dân được trang bị đầy đủ kiến thức về sức khỏe mắt và kiểm tra mắt thường xuyên, nguy cơ mù lòa cũng sẽ được giảm đáng kể. Trong khuôn khổ của dự án, chúng tôi sẽ nỗ lực tiếp cận nhiều người hơn nữa để khuyến khích mọi người chăm sóc sức khỏe mắt tốt hơn”.
Bệnh Glôcôm (tăng nhãn áp) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm thị lực. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có 78 triệu người mắc bệnh Glôcôm, trong đó 90% các trường hợp không được phát hiện ở các nước đang phát triển. Theo ước tính, đã có hơn 11 triệu người bị mù cả hai mắt do bệnh Glôcôm vào năm 2020 và con số có thể sẽ tăng lên đến 111,8 triệu người vào năm 2040.
May mắn thay, nguy cơ mù lòa do bệnh võng mạc và Glôcôm có thể được ngăn ngừa nhờ chẩn đoán và điều trị kịp thời. Càng phát hiện và chữa trị sớm, bệnh nhân càng có nhiều cơ hội bảo vệ sức khỏe mắt và ngăn chặn nguy cơ mù lòa.