Chất quý chống oxy hóa, bảo vệ tim mạch
TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện Trưởng viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, cho đến nay việc giảm cholesterol vẫn là một khuyến nghị của rất nhiều hiệp hội tim mạch trên thế giới, trong đó có Việt Nam nhằm dự phòng bệnh tim mạch. Trứng được coi là thực phẩm giàu cholesterol (khoảng 141-234mg/quả) nên từ lâu nhiều chế độ ăn khuyến cáo hạn chế tiêu thụ trứng, chỉ khoảng 2-4 quả/tuần với quần thể người khỏe mạnh.
Nhưng hiện nay, nhiều hội tim mạch đã giới hạn lượng cholesterol nạp vào hằng ngày là 300mg nên việc ăn một quả trứng mỗi ngày không làm vượt quá hàm lượng cholesterol mỗi ngày nếu không dung nạp quá nhiều cholesterol từ các thực phẩm khác. Hơn nữa, protein của trứng là protein chuẩn, trứng chứa lutein và zexamthin là hai chất chống oxy hóa mạnh, bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Theo TS Sơn, nhiều nghiên cứu đã chứng minh ăn một quả trứng mỗi ngày không làm tăng nồng độ cholesterol trong máu, kể cả với những người có nguy cơ cao bị bệnh tim mạch. Tuy nhiên, việc khuyến cáo tiêu thụ bao nhiêu trứng giúp bảo vệ sức khỏe vẫn chưa đạt được sự đồng thuận của nhiều tổ chức và giữa các quốc gia. Khuyến nghị tiêu thụ trứng và cholesterol đối với người khỏe mạnh vẫn có sự khác nhau giữa các nước.
Chẳng hạn, khoa thực phẩm đại học Công nghệ Đan Mạch khuyến cáo có thể ăn tới 7 quả trứng/tuần, không hạn chế việc tiêu thụ cholesterol; Hướng dẫn chế độ ăn Hoa kỳ 2015 lại khuyến cáo ăn càng ít cholesterol càng tốt; Chương trình dinh dưỡng và sức khỏe Pháp: có thể ăn trứng hằng ngày, không có khuyến cáo về cholesterol; Tháp chế độ ăn địa Trung Hải: 2-4 quả/tuần; Khuyến cáo dinh dưỡng Bắc Âu, Ý: không hạn chế tiêu thụ trứng và chế độ ăn…
Chất oxy hóa trong trứng giúp bảo vệ tim mạch, ngừa đột quỵ.
Giảm 12% nguy cơ đột quỵ
TS Trần Bá Thoại, Hội Nội tiết Việt Nam phân tích, vì trứng khá “bổ béo”, nên việc ăn trứng vẫn bị cảnh báo “võ đoán” là có khả năng gây bệnh tim mạch do quá nhiều cholesterol. Cứ 100g trứng cho 150 calo; 65,7g nước; 12g đạm; 10,6g béo; 0,8g đường; 10,9g khoáng chất và vitamin. Chất béo tập trung chủ yếu trong lòng đỏ: triglyceride 62,3%; phospholipid 32,8%; cholesterol 4,9% và một ít aminolipid. Nhưng so giá trị dinh dưỡng của trứng với nhu cầu hằng ngày thì mỗi quả trứng chỉ cung cấp 71% nhu cầu cholesterol hằng ngày nên chắc chắn không thừa, không quá tải.
Hơn nữa, các nhà khoa học ở Đại học Alberta (Canada) khi nghiên cứu “Cholesterol/trứng và bệnh tim”, đã phát hiện: trứng luộc và đặc biệt trứng rán dưới tác dụng của các men tiêu hóa trong dạ dày và ruột non sẽ tạo ra nhiều loại peptide khác nhau có tác dụng ức chế men chuyển đổi ACE, khi men ACE bị ức chế thì huyết áp động mạch sẽ giảm xuống và quả tim sẽ được bảo vệ.
Một nghiên cứu 20 năm của GS Jyrki Virtanen (Đại học Đông Phần Lan) trên 1.000 đàn ông cũng cho thấy, cholesterol trong thức ăn tác động khiêm tốn lên nồng độ cholesterol máu, và trứng không liên kết với một nguy cơ bệnh tim mạch nào.
Đặc biệt, một nghiên cứu mới đây trên 7 công trình về các thức ăn khác nhau và thí nghiệm trên 275-310 nghìn người Mỹ do chuyên viên Dominique Alexander từ Viện EpidStat ở Ann Arbor (Hoa Kỳ) cho thấy, chất chống oxy hóa trong trứng có tác dụng giảm mức độ áp lực dưỡng khí vào tế bào và gây viêm, giảm áp suất trong thành mạch. Việc sử dụng ít nhất một quả trứng mỗi ngày có hiệu ứng tích cực rõ rệt với sức khỏe của hệ thống tim mạch, giảm bớt 12% nguy cơ đột quỵ và tim mạch vành giảm 3-10%.
Vì vậy, theo TS Thoại, tốt nhất nên ăn trứng vì trứng có nguồn dinh dưỡng cao với đạm, béo, nhiều vitamin, khoáng chất và có “dược phẩm” làm giảm huyết áp, bảo vệ tim. Tuy nhiên, chỉ nên ăn trứng chín và không nên ăn quá 2 quả mỗi ngày. Bởi trong lòng trắng trứng sống có chất avidin, khi ăn vào đường tiêu hóa chất này sẽ kết hợp với một vitamin tan trong nước là biotin, khiến vitamin này không hấp thu được và gây độc.
Nhật Hà