Theo BS. Vũ Đại Dương, chuyên khoa Dinh dưỡng (Trường Đại học Y Hà Nội), một cốc nước cam tươi chứa 112 calo, 2g chất đạm, 0g chất béo, 26g carbohydrate, 0g chất xơ, 21g đường…
Nước cam hầu như không chứa tinh bột hoặc chất xơ. Hầu như tất cả carbohydrate của nó đều có ở dạng đường. Đường tự nhiên (fructose) mang lại cho nước cam hương vị ngọt ngào đặc trưng.
Chỉ cần một cốc nước cam, cơ thể đã được đáp ứng 100% nhu cầu vitamin C hàng ngày. Một phần nước cam cung cấp nhiều vitamin C hơn từ một bát cải xoăn, hai bát súp lơ hoặc ba quả cà chua cỡ vừa.
Nước cam cũng được coi là một trong những nguồn chất chống ôxy hóa tốt nhất, cùng với việc uống rượu vang, trà, ăn các loại quả mọng như dâu tây, mâm xôi, việt quất… Chứa nhiều chất chống ôxy hóa mạnh, nước cam có tác dụng chống viêm và tăng cường sức khỏe.
Nước cam với cùi là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất xơ giúp cơ thể duy trì sức khỏe hệ tiêu hóa và có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh như đái tháo đường, tim mạch và một số loại ung thư.
Ai không nên uống nước cam?. Ảnh minh họa |
Nước cam có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng không phải sẽ tốt cho tất cả mọi người. Dưới đây là một số nhóm người không nên uống nước cam:
Người mắc bệnh gan nhiễm mỡ
Gan là cơ quan quan trọng của cơ thể nhưng không phải ai cũng có một lá gan khỏe mạnh. Gan nhiễm mỡ là một trong những vấn đề phổ biến nhất hiện nay, nếu không điều trị kịp thời lâu dần sẽ dẫn đến nhiều biến chứng như xơ gan và thậm chí là ung thư gan.
Theo ThS.BS Nguyễn Văn Thành (Bệnh viện E) là loại quả cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất, tốt bệnh gan nhiễm mỡ. Nhưng cam cũng là trái cây có hàm lượng đường tự nhiên cao, vì vậy những người có yếu tố nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ nên hạn chế uống nước cam. Thay vào đó nên ăn cam, quýt nguyên múi. Vì việc tiêu thụ nhiều đường fructose làm tăng sự phát triển của tình trạng bệnh. Không sử dụng nước ép cam đóng chai sẵn vì những sản phẩm này có thể chứa nhiều đường, không cung cấp nhiều vitamin vốn có trong nước cam và ít chất xơ.
Người mắc bệnh thận
Trong một quả cam (184g) có 333 mg kali, 1 ly nước cam (240 ml) có 473 mg kali. Những thực phẩm có chứa quá nhiều kali có thể gây ra tình trạng tăng kali máu. Do hàm lượng kali trong cam, có thể cần phải tránh hoặc hạn chế cam và nước cam trong chế độ ăn kiêng dành cho người bệnh thận để đảm bảo sức khỏe.
Bị trào ngược dạ dày
Nước cam tốt cho sức khỏe nếu sử dụng đúng cách và đúng liều lượng. Người bị trào ngược dạ dày không nên uống nước cam thường xuyên vì cam có tính axit, có thể dẫn đến kích ứng dạ dày. Nếu uống nước cam mỗi ngày, có thể bị ợ chua khó chịu, nghiêm trọng, có thể dẫn đến nôn mửa. Vì vậy, những người này nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ăn cam.
Người mắc bệnh đái tháo đường
Mặc dù các chuyên gia đều khuyến khích người mắc bệnh đái tháo đường nên ăn trái cây họ cam quýt. Nhưng nước cam có chứa đường, lại thiếu chất xơ, chất cần thiết cho việc điều chỉnh lượng đường trong máu. Vì vậy, nếu uống nước cam hàng ngày có thể làm tăng đột ngột lượng đường trong máu.
Người bệnh nên ăn cả múi sẽ tốt hơn là uống nước vì như vậy sẽ tăng thêm lượng chất xơ cho cơ thể. Và do nhiều đường nên chỉ uống 1-2 cốc nước cam/tuần chứ không nên uống thường xuyên, hàng ngày.
Người đang đói
Nước cam chứa nhiều axit nên tuyệt đối không uống vào lúc đói, sẽ ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày.
Người đang uống thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh
Khi đang uống thuốc kháng sinh thì nước cam không phải là sự lựa chọn tốt vì nước cam chứa phần lớn là axit một chất tương tự như naringin. Chất này làm bất hoạt hai men vận chuyển CYP3A4 và OATP1A2, thuốc sẽ khó hấp thu đầy đủ và có thể làm phá vỡ cấu trúc hóa học của thuốc. Khi đó thuốc kháng sinh sẽ không còn tác dụng kháng khuẩn, bệnh nhân có nguy cơ nhiễm khuẩn kéo dài.
Người vừa uống sữa xong
Protein trong sữa sẽ phản ứng với axit tartaric và vitamin C có trong cam. Nó không chỉ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn mà còn có thể gây ra tình trạng chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy… Do vậy nên uống sữa trước hoặc sau khi bạn đã ăn cam một giờ trở ra.