Ngân hàng

ABBank rút mạnh tiền gửi về để cân đối thanh khoản

  • Tác giả : Minh Lâm
(khoahocdoisong.vn) - Lượng tiền gửi của khách hàng tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) trong quý 1/2021 không tăng mà giảm nhẹ. Ngân hàng này buộc phải rút các khoản tiền gửi và cho vay các Tổ chức tín dụng (TCTD) khác để đảm bảo thanh khoản.

Đến ngày 31/3/2021, lượng tiền gửi của khách hàng tại ABBank ghi nhận giá trị 72.013 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm. Nguyên nhân là do lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) giảm gần 2.000 tỷ đồng.

Lượng tiền gửi của các TCTD khác trong vòng 3 tháng qua cũng giảm sâu 73%, từ 22.904 tỷ đồng thời điểm đầu năm xuống còn 6.188 tỷ đồng.

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng lại khá cao, tăng 6,9% so với đầu năm, đã đạt gần 2/3 “room” tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước đã giao cả năm 2021.

Cụ thể, tổng dư nợ cho vay khách hàng của ABBank đã đạt 67.648 tỷ đồng, tăng 4.355 tỷ đồng trong vòng 3 tháng đầu năm.

Do lượng tiền gửi khách hàng quá thấp so với dư nợ cho vay, tiền gửi của các TCTD khác lại sụt giảm mạnh, ABBank đã phải rút một lượng tiền lớn, khoảng 15.477 tỷ đồng gửi tại các TCTD khác cùng hệ thống (tương đương giảm 62%). Giá trị tiền gửi của ABBank tại các TCTD khác tính tại thời điểm cuối tháng 3 chỉ còn 9.318 tỷ đồng.

Do lượng tiền huy động giảm nên chi phí phải trả lãi tiền gửi cũng giảm nhiều theo (giảm 31%). Do đó, thu nhập lãi thuần của ABBank trong quý 1/2021 tăng 30% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 681 tỷ đồng.

Đồng thời, ABBank cũng đã chủ động kiểm soát và tối ưu hoá các chi phí hoạt động, cộng thêm gia tăng các khoản thu phi tín dụng như hoạt động dịch vụ, chứng khoán kinh doanh. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng trong quý 1/2021 tăng 29% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 465 tỷ đồng.

Theo Thông tư 03/2021, ngân hàng tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, giãn nợ nên nợ xấu cũng đã được hạn chế. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ABBank là 2,04%, trong hạn mức cho phép của NHNN.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, nợ xấu thực không hề giảm đi, mà chỉ là đang bị đẩy về tương lai. Trước biến động nợ xấu tiềm ẩn với các khoản cho vay do dịch Covid-19, các ngân hàng đang tích cực dành chi phí trích lập dự phòng. 

Do đó, ABBank đã tăng trích lập dự phòng lên 121 tỷ đồng (tăng 30%) so với thời điểm đầu năm 2021.

Về tài sản, do dòng tiền sụt giảm từ các khoản tiền gửi tại các TCTD khác, nên tài sản của ABBank trong quý 1 cũng giảm 16%, còn 97.899 tỷ đồng.

Minh Lâm