Ngân hàng

TPBank lãi lớn nhưng vẫn thiếu vốn trung, dài hạn

  • Tác giả : Tuấn Thủy
(khoahocdoisong.vn) - Kết thúc quý 1/2021, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) báo lãi lớn, chủ yếu nhờ lãi suất huy động giảm sâu và gói hỗ trợ dành cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 dần hết hạn, trong khi lãi suất cho vay tiếp tục treo cao.

Theo Báo cáo tài chính quý 1/2021 TPBank công bố mới đây, lượng tiền cho vay khách hàng và tiền khách hàng gửi tại ngân hàng tăng trưởng khá đồng đều nhau.

Dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng tại thời điểm 31/1/2021 đạt 124.387 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng tín dụng 3,7%. Tiền gửi của khách hàng tăng 3,6%, đạt 120.037 tỷ đồng. Tuy nhiên, thu nhập từ lãi cho vay lại cao hơn gấp 2 lần so với chi phí trả lãi tiền gửi.

Cụ thể, thu nhập từ lãi cho vay của TPBank trong 3 tháng qua đạt 3.144 tỷ đồng. Trong khi đó, ngân hàng này chỉ phải chi 1.272 tỷ đồng trả lãi tiền gửi. Lãi suất gửi tiết kiệm của TPBank trong quý 1/2021 duy trì ở mặt bằng thấp 3,35% - 6,6%, nhưng lãi suất cho vay lại cao hơn rất nhiều.

Một doanh nghiệp cho biết, dù lãi suất huy động giảm sâu nhưng tháng 1 vừa qua họ vẫn vay tại TPBank kỳ hạn 6 tháng với lãi suất lên tới hơn 11%/năm. Trong khi, lãi suất tiền gửi tại kỳ hạn 6 tháng dao động ở mức 5,3% - 5,4%.

Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của TPBank tiếp tục duy trì ở mức cao hơn trong quý 1/2021 (1,14%).

Cuối kỳ, TPBank ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế đạt 1.138 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2020.

Tài sản của TPBank sau 3 tháng tăng 4,8%, ước đạt 216.153 tỷ đồng. Tài sản có khác còn khá cao, chiếm trên 7% tổng tài sản của ngân hàng. Đây là những khoản phải thu, lãi dự thu, chi phí xây dựng dở dang… không thể sinh lời. Trong đó, khoản lãi dự thu lên tới hơn 1.642 tỷ đồng. Khoản lãi dự thu này có thể tiềm ẩn các khoản nợ xấu và chứa nhiều rủi ro nếu không thể thu hồi.

Nhằm giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, TPBank đẩy mạnh phát hành giấy tờ có giá ngay từ những tháng đầu năm. Tính đến hết tháng 3/2021, TPBank phát hành ra khoảng 24.444 tỷ đồng giấy tờ có giá, bao gồm trái phiếu các kỳ hạn, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu… bằng 89% lượng giấy tờ có giá phát hành cả năm 2020 (Trong khi năm 2018 và 2019, TPBank phát hành lần lượt 8.715 tỷ đồng và 14.426 tỷ đồng).

Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, dù giúp gia tăng nguồn vốn trung, dài hạn nhanh chóng, việc huy động vốn bằng giấy tờ có giá lại chứa đựng nhiều rủi ro gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng trong tương lai.

Tuấn Thủy