4 món ăn nhiễm vi khuẩn Salmonella
Ngày 22/10, Sở Y tế tỉnh Lào Cai có thông tin kết luận vụ việc khiến 80 học sinh, sinh viên Trường cao đẳng Lào Cai nhập viện sau khi ăn cơm tại căng tin.
Theo Sở Y tế tỉnh Lào Cai, vào khoảng 16h30 ngày 9/10, có một số học sinh, sinh viên ở kí túc xá Trường cao đẳng Lào Cai cơ sở 1 (phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai) nhập viện với các biểu hiện của rối loạn tiêu hóa, nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm tại nhà ăn.
Ngay sau khi nhận được thông tin Sở Y tế Lào Cai đã chỉ đạo các đơn vị: Chi cục An toàn thực phẩm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện điều tra, xác minh, lấy mẫu nước, thực phẩm và bệnh phẩm của bệnh nhân làm các xét nghiệm cần thiết. Qua quá trình điều tra kết quả như sau:
Bữa ăn tập trung tối ngày 8/10 tại nhà ăn số 1 Trường cao đẳng Lào Cai có 8 món: Thịt lợn rang, thịt lợn kho, thịt gà xào hành tây, chả lá lốt, thịt gà rang, giá đỗ xào bắp cải, dưa chuột muối, canh rau muống, ngoài ra có 01 món bánh bao nhân xúc xích được mua từ cơ sở bên ngoài vào. Nước uống được lấy trực tiếp từ máy lọc nước RO của nhà ăn và máy lọc nước RO của kí túc xá.
Căn cứ trên các đặc điểm dịch tễ, triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân và kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm, mẫu nước của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho thấy: có 4 món thức ăn được tại bữa chiều ngày 08/10/2024 phát hiện dương tính với vi khuẩn Salmonella (Dưa chuột muối, chả lá lốt, gà rang, canh rau muống).
Ngày 21/10, đại diện Sở Y tế và các đơn vị liên quan: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Hưng Thịnh, Công an thành phố Lào Cai (Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường) đã nhận định: sự việc trên là một vụ ngộ độc thực phẩm.
Chiều 16/10, tất cả bệnh nhân được xuất viện.
Vi khuẩn Salmonella là 1 trong 4 nguyên nhân chính gây ra bệnh tiêu chảy trên toàn cầu. Ảnh minh họa |
Vi khuẩn Salmonella nguy hiểm thế nào?
Theo bác sĩ Hồ Thị Hồng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, Salmonella là 1 trong 4 nguyên nhân chính gây ra bệnh tiêu chảy trên toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế thế giới, tiêu chảy là bệnh phổ biến nhất do thực phẩm không an toàn, có khoảng 550 triệu người mắc bệnh tiêu chảy liên quan đến thực phẩm mỗi năm, trong đó có 220 triệu trẻ em dưới 5 tuổi. Vi khuẩn Salmonella cũng là nguyên nhân gây ra hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm tập thể trong thời gian qua ở Việt Nam.
Bệnh do nhiễm khuẩn Salmonella thường có các triệu chứng được đặc trưng là sốt, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn và đôi khi nôn mửa. Các triệu chứng bệnh bắt đầu xuất hiện từ 6–72 giờ (thường là 12–36 giờ) sau khi ăn phải Salmonella và bệnh thường kéo dài 2–7 ngày.
Các triệu chứng của bệnh nhiễm khuẩn Salmonella tương đối nhẹ, đa số người bệnh đều tự hồi phục mà không phải điều trị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đặc biệt ở trẻ em và người cao tuổi, tình trạng mất nước có thể trở nên nghiêm trọng và đe dọa tính mạng.
Con người thường bị nhiễm khuẩn Salmonella do ăn phải thực phẩm bị nhiễm Salmonella có nguồn gốc động vật (chủ yếu là trứng, thịt, thịt gia cầm và sữa), một số thực phẩm khác như rau xanh bị ô nhiễm phân, cũng có liên quan đến sự lây truyền của bệnh.
Sự lây truyền từ người sang người cũng có thể xảy ra qua đường phân-miệng. Một số trường hợp khác có thể nhiễm Salmonella khi tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh, bao gồm cả vật nuôi trong gia đình (gà, vịt, lợn, bò,…). Những con vật bị nhiễm bệnh này thường không có dấu hiệu bệnh tật.
Các biện pháp phòng ngộ độc thực phẩm do Salmonella
Để phòng ngộ độc thực phẩm do Salmonella người dân cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo Tổ chức Y tế thế giới, có 5 chìa khóa để đảm bảo thực phẩm an toàn, phòng ngộ độc thực phẩm, cụ thể:
Giữ vệ sinh
Rửa tay trước khi chuẩn bị thực phẩm và thường xuyên trong quá trình chế biến thực phẩm. Rửa tay sau khi đi vệ sinh. Rửa sạch toàn bộ bề mặt và dụng cụ chế biến thực phẩm. Giữ sạch thực phẩm và khu vực bếp để tránh côn trùng, sâu bọ và các động vật khác xâm nhập.
Để riêng thực phẩm sống và chín
Không để lẫn thịt gia súc, gia cầm và hải sản sống với các thực phẩm đã nấu chín. Sử dụng riêng các đồ dùng nhà bếp như dao, thớt để chế biến thực phẩm sống và chín. Để thực phẩm trong các dụng cụ chứa có nắp để tránh tiếp xúc giữa thực phẩm sống và chín.
Nấu và chế biến đúng cách
Đun nấu kỹ thực phẩm, bảo đảm nhiệt độ trung tâm thực phẩm phải đạt tới trên 70°C, đặc biệt là thịt gia súc, gia cầm, trứng và hải sản. Đun kỹ thức ăn còn dư lại từ bữa trước.
Giữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn
Không để thực phẩm đã nấu chín ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ. Làm lạnh ngay tất cả thực phẩm đã chế biến và thực phẩm dễ hỏng (dưới 5oC). Giữ thực phẩm đã nấu chín ở nhiệt độ cao (trên 60oC) trước khi ăn.
Sử dụng nước sạch và nguyên liệu an toàn
Sử dụng nước sạch hoặc nước đã qua xử lý để chế biến thực phẩm. Rửa sạch rau quả, đặc biệt là rau quả ăn sống. Lựa chọn thực phẩm chế biến sẵn an toàn như sữa tươi tiệt trùng. Chọn mua thực phẩm tươi, nguyên dạng. Không dùng thực phẩm đã hết hạn sử dụng.