Ảnh minh họa |
Giữ cân nặng khỏe mạnh và giảm cân
Thừa cân béo phì, cũng như các biến chứng liên quan bao gồm huyết áp cao và bệnh đái tháo đường làm tăng tỷ lệ mắc đột quỵ.
Mục tiêu là giữ chỉ số khối cơ thể (BMI) dưới 23 hoặc ít hơn, nhưng trên 18,5 (dành cho người châu Á, bao gồm Việt Nam). Nếu chỉ số BMI của bạn trên 25, bạn đang bị béo phì, cần giảm gấp và ngay cân nặng của bạn.
Để đạt được điều đó cần cố gắng ăn không quá 1.500 đến 2.000 calo một ngày, tùy thuộc vào mức độ hoạt động của bạn và BMI hiện tại của bạn. Tăng số lượng bài tập thể dục với các hoạt động như đi bộ, chơi golf hoặc chơi tennis, quan trọng là phải tập đều đặn mỗi ngày.
Duy trì tập thể dục đều đặn
Tập thể dục góp phần vào việc giảm cân, giảm huyết áp và góp phần làm giảm nguy cơ đột quỵ. Mục tiêu là tập thể dục ở cường độ vừa phải ít nhất năm ngày một tuần. Để đạt được điều đó hãy đi bộ xung quanh khu phố của bạn mỗi buổi sáng và sau khi ăn tối. Bắt đầu tham gia một câu lạc bộ thể dục với bạn bè.
Khi bạn tập thể dục, cần đạt đến mức mà bạn thấy mình hụt hơi nhưng bạn vẫn có thể nói chuyện với mọi người. Đi cầu thang bộ thay vì thang máy khi bạn có thể. Nếu bạn không có 30 phút liên tiếp thực hiện tập thể dục, chia nhỏ ra thành nhiều lần tập với 10-15 phút/ lần và vài lần mỗi ngày.
Kiểm soát tốt đường máu và điều trị bệnh tiểu đường
Đường máu cao làm tổn thương mạch máu theo thời gian, các cục máu đông có nhiều khả năng hình thành bên trong lòng mạch. Mục tiêu là giữ lượng đường trong máu ở mức bình thường và luôn được kiểm soát.
Để đạt được điều đó cần theo dõi lượng đường trong máu của bạn theo chỉ dẫn của bác sĩ. Áp dụng chế độ ăn uống, tập thể dục và các loại thuốc để giữ cho lượng đường trong máu ở phạm vi cho phép.
Quản lý tốt stress và giảm căng thẳng lo âu
Stress hay căng thẳng, lo âu do cuộc sống hằng ngày làm tăng nguy cơ bị đột quỵ. Mục tiêu là cần quản lý tốt stress, giảm căng thẳng lo âu để phòng ngừa đột quỵ.
Để đạt được điều đó cần ngủ đủ giấc, ít nhất 6-7 tiếng mỗi đêm cho người lớn. Ngoài ra có thể tập thiền, yoga và tập thở.
Kiểm soát tốt và làm giảm huyết áp
Tăng huyết áp là một yếu tố nguy cơ rất lớn, tăng gấp hai hoặc thậm chí gấp bốn lần nguy cơ đột quỵ nếu huyết áp không được kiểm soát. Huyết áp cao là "đóng góp" lớn nhất đối với nguy cơ đột quỵ ở cả nam và nữ giới. Theo dõi huyết áp và nếu thấy huyết áp tăng lên thì khống chế huyết áp là chiến lược cần làm ngay để có sức khỏe tim mạch tốt.
Mục tiêu lý tưởng là duy trì huyết áp dưới 120/80 mmHg, nhưng đối với một số người, một mục tiêu ít tích cực hơn (dưới 140/90 mmHg) có thể thích hợp hơn và chấp nhận được.
Biện pháp để đạt được con số huyết áp mong muốn cần:
Giảm lượng muối trong chế độ ăn uống của bạn để không quá 1.500 mg một ngày (khoảng một nửa muỗng cà phê).
Tránh các thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao, chẳng hạn như bánh mì kẹp thịt, pho mát, và kem chứa chất béo.
Ăn 4-5 cốc trái cây và rau quả mỗi ngày, ăn cá 2-3 lần cho mỗi tuần, ăn ngũ cốc và sữa ít chất béo hàng ngày.
Tập thể dục nhiều hơn - ít nhất 30 phút thể dục mỗi ngày và nhiều hơn nữa nếu có thể.
Bỏ hút thuốc lá, tránh hít khói thuốc lá.
Nếu cần thiết, có thể dùng thuốc chống tăng huyết áp.
Chế độ ăn khoa học
Chế độ dinh dưỡng cũng là một trong những yếu tố góp phần phòng ngừa đột quỵ não. Các thực phẩm bổ não, bổ máu, cải thiện lưu thông máu nên được bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày như cà chua, nghệ, tỏi, củ dền, củ cải đường, trái cây họ cam quýt, hạt óc chó...
Người bệnh cũng nên thường xuyên ăn rau xanh hay trái cây tươi, các loại hạt, đồng thời thay thế các loại thịt đỏ bằng các loại thịt trắng như thịt gia cầm, thịt cá.
Với người bị tim mạch nên ăn giảm muối bớt đường, hạn chế tẩm ướp gia vị. Hạn chế đồ ăn chiên rán nhiều lần hoặc thức ăn nhanh. Những thực phẩm này đều chứa lượng lớn cholesterol, ăn quá nhiều sẽ làm gia tăng mỡ máu xấu, tăng hình thành các mảng xơ vữa động mạch, nguy cơ đột quỵ não. Các loại đồ uống chứa ga, cồn như nước ngọt, rượu bia cũng nên
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Theo Tổ chức Đột quỵ châu Âu, cứ mỗi 30 phút lại có một bệnh nhân đột quỵ đáng lẽ có thể cứu sống nhưng tử vong hoặc tàn phế. Nguyên nhân do phần lớn người thân không nhận biết được dấu hiệu để đưa người bệnh đến đúng bệnh viện chuyên khoa điều trị. Do đó, mỗi người cần khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1-2 lần mỗi năm để có thể phát hiện sớm, bác sĩ tư vấn điều trị đúng cách.