Ảnh minh họa |
Thường xuyên uống trà nóng
Thỉnh thoảng uống hoặc ăn phải đồ quá nóng có thể gây rát họng hoặc gây bỏng niêm mạc thực quản, các vết bỏng này vẫn tự lành và không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Tuy nhiên, nếu thường xuyên uống các loại đồ uống nóng chẳng hạn như trà, cà phê quá nóng ngược lại có thể gây ung thư thực quản.
Điều này là do các màng nhầy trong khoang miệng và thực quản rất nhạy cảm với nhiệt độ. Nhiệt độ cao nhất mà thực quản có thể chịu đựng được là 60°C. Nhiệt độ trên 65°C sẽ gây bỏng thực quản, khiến niêm mạc thực quản bị tổn thương, kèm theo viêm nhiễm. Nếu quá trình này lặp lại nhiều lần có thể làm tăng nguy cơ “sản sinh” ra các tế bào ung thư.
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế cũng đã liệt kê các loại đồ ăn, thức uống nóng trên 65°C là chất gây ung thư loại 2A, bao gồm cả nước đun sôi, trà, cà phê và súp vượt quá nhiệt độ này.
Các chuyên gia cho biết mất 3 phút để nước sôi giảm từ 100°C xuống 80°C. Do đó mọi người nên đợi 5 - 6 phút để trà nguội bớt rồi mới uống, khi uống có thể thử dùng môi nhấp từng ngụm để kiểm tra nhiệt độ của nước.
Thường xuyên uống trà đậm đặc
Thường xuyên uống trà đặc có thể gây hại cho cơ thể. Chẳng hạn như:
Say trà: Ở một số người uống trà quá đặc có thể gây ra tình trạng say trà do ruột hấp thụ quá nhiều caffeine, gây ra một số người có các triệu chứng như hồi hộp, chóng mặt, run rẩy, yếu tay chân,...
Gây hại cho dạ dày: Trà đặc chứa nhiều caffeine, theophylline,... đặc biệt nếu uống lúc đói có thể gây kích thích tế bào thành dạ dày và gây tăng tiết axit dạ dày. Theo thời gian, niêm mạc dạ dày sẽ bị kích ứng và tổn thương gây viêm, thành dạ dày có thể bị bào mòn. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn tới loét dạ dày. Khảo sát ở Trung Quốc cho thấy khoảng 70% bệnh nhân loét dạ dày ở nước này có sở thích uống trà đặc.
Phá hỏng giấc ngủ: Trà đặc có thể gây mất ngủ do chứa hàm lượng caffeine cao. Do đó nếu uống trà đặc và uống gần giờ đi ngủ thì sẽ khiến hệ thần kinh bị kích thích quá mức và gây mất ngủ.
Gây ảnh hưởng tới việc hấp thụ một số chất dinh dưỡng: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng trà đặc chứa nhiều axit tannic, có thể cản trở quá trình hấp thụ sắt của cơ thể, đồng thời có thể kết hợp với protein và vitamin B1 trong thực phẩm gây táo bón. Tuy nhiên, các nghiên cứu này chưa thực sự thuyết phục và cần nghiên cứu thêm.
Uống trà khi đói
Trong trà có chứa các ancaloit như caffeine, uống trà khi bụng đói dễ gây ra tình trạng say trà, gây ra một số triệu chứng như hồi hộp, chóng mặt, run rẩy, yếu tay chân,...
Ngoài ra, uống trà khi bụng đói còn đặc biệt có hại cho dạ dày vì trong trà có chứa tanin, có thể làm tăng axit trong dạ dày, kích thích niêm mạc đường tiêu hóa, gây buồn nôn, đau dạ dày. Đối với những người mắc bệnh dạ dày, uống trà khi đói có thể sẽ làm cho tình trạng bệnh thêm nặng hơn. Do đó, mọi người không nên uống trà, đặc biệt là trà đặc, lúc đói bụng.