Dinh dưỡng

Mẹ bầu uống sữa giả của Rance Pharma, Hacofood Group nguy hại thế nào?

  • Tác giả : Thúy Nga
ThS.DS Lê Quốc Thịnh cho biết, các sản phẩm sữa giả này không có chất dinh dưỡng như quảng cáo mà còn nguy cơ gây ngộ độc do sử dụng nguyên liệu không đảm bảo chất lượng.

Sự lừa đảo gây hại sức khỏe nghiêm trọng

Các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an vừa phát hiện một đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Kết quả điều tra bước đầu của cơ quan Công an xác định: Từ tháng 8/2021 đến nay, các đối tượng đã thành lập Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất kinh doanh sữa bột.

Những nhãn hiệu sữa này được quảng cáo, công bố có chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... nhưng kiểm tra không có những chất này, chất lượng đạt dưới 70% mức công bố

Đến nay, hai công ty trên đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ có thai... và bán ra thị trường, đem lại doanh thu gần 500 tỷ đồng trong khoảng 4 năm.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 8 người về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Vụ việc gần 600 loại sữa giả dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai vừa bị cơ quan Công an phát hiện khiến người tiêu dùng lo lắng khi sử dụng các sản phẩm này đối với sức khỏe.

Công an kiểm tra thu giữ các sản phẩm sữa giả - Ảnh minh họa

Công an kiểm tra thu giữ các sản phẩm sữa giả - Ảnh minh họa

Trao đổi với PV Khoa học và Đời sống/ Báo Tri thức và Cuộc sống, ThS.DS Lê Quốc Thịnh, Nguyên Trưởng khoa Dược Bệnh viện 71 TƯ, giảng viên Trường Đại học Thành Đô cho biết, các sản phẩm này được coi là sữa giả vì hai công ty sản xuất đã khai báo thành phần không trung thực.

Trong sản phẩm không có những thành phần gây ấn tượng mạnh và đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng như tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột quả cây óc chó... nhưng công ty lại in nhãn và quảng cáo những thành phần này trong sản phẩm.

Đây đều là những nguyên liệu đắt tiền nhưng được công ty thay bằng các loại phụ gia rẻ tiền để đánh lừa người tiêu dùng. Nên về thực chất đây là hàng giả.

Theo ThS.DS Thịnh, các loại sản phẩm này, uống vào tuy không chết người nhưng do không có các chất cao cấp nên giá trị của nó không như quảng cáo. Những sản phẩm như vậy thực sự có hại cho sức khoẻ, kể cả người bình thường cũng không nên sử dụng chứ chưa nói đến bà bầu hay người suy gan thận...

Trẻ em sử dụng lại càng nguy hiểm vì không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không đủ chất dinh dưỡng như quảng cáo. Việc không đảm bảo có đủ hàm lượng Vitamin, khoáng chất, các thành phần dinh dưỡng quy định thì không thể gọi là sữa được.

Đặc biệt, việc thiếu hụt các hoạt chất dinh dưỡng, hàm lượng vi chất mà người mua sữa kỳ vọng... dẫn đến người sử dụng sản phẩm có thể bị thiếu chất, thiếu dinh dưỡng nếu họ chỉ tin cậy sử dụng các loại sữa này.

Bán sữa giả cho thai phụ, trẻ em… kiếm tiền bất lương là tội ác

ThS.DS Thịnh phân tích, sản xuất bán ra thị trường sữa giả, đặc biệt cho các đối tượng sử dụng sữa đều là đối tượng đặc biệt, có bệnh nền, trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh mạn tính: tiểu đường, suy thận, cao huyết áp.... Vì vậy chẳng khác nào việc gây thêm bệnh cho họ khi họ mong muốn được bảo vệ sức khoẻ mà lại không được bảo vệ, thậm chí là gây hại...

Theo ThS.DS Thịnh, các đối tượng yếu thế và nhạy cảm cần dùng đến các thành phần trong sữa để bổ sung, nâng cao thể trạng, thực thi các chức năng sinh lý nhờ tác dụng của các chất như quảng cáo, nhưng thực tế sản phẩm sữa này lại không có. Do đó, nếu sử dụng các loại sữa này trẻ con suy dinh dưỡng tiếp tục bị thiếu chất, ảnh hưởng đến sức đề kháng của cơ thể...

Các đối tượng bị bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, sau mổ, suy gan thận... sẽ bị tăng nặng các tình trạng nguy hiểm của họ, dẫn đến những hậu quả nguy hiểm đến tính mạng mà không ai có thể lường trước. Đó là tội ác khi họ bị lừa dối sử dụng sữa giả từ những lời quảng cáo sai sự thật của nhãn hàng.

Tội ác đó bắt nguồn từ sự quản lý lỏng lẻo đối với một ngành hàng yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm như sữa.

Vì vậy theo ThS.DS Thịnh, người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng những sản phẩm gọi là "sữa" như vậy. Bởi các sản phẩm này không có chất dinh dưỡng như quảng cáo mà còn có nguy cơ gây ngộ độc do sử dụng nguyên liệu không đảm bảo chất lượng.

Những đối tượng suy dinh dưỡng, thai phụ, người có bệnh nền càng không nên sử dụng vì không những không giúp nâng cao thể trạng mà còn có nguy cơ bị bệnh nặng hơn. Đặc biệt nguy hiểm khôn lường với người có bệnh lý, phụ nữ mang thai, trẻ đẻ non, suy dinh dưỡng...

Tương tự, BS Đào Thị Hảo, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng phân tích, với người tiểu đường, sữa không đúng công bố thành phần, hàm lượng hay bị làm giả sẽ không kiểm soát được đường huyết. Những người bệnh thận có chức năng thận kém, cần hạn chế đạm, nhưng nếu sản phẩm đưa thêm chất không phù hợp, khi uống sẽ tăng gánh nặng cho thận.

“Điều này có nghĩa là nếu sử dụng sữa giả, sữa không đúng công bố thành phần, hàm lượng sẽ khiến tình trạng bệnh lý của người bệnh nặng hơn, trong khi không cải thiện được dinh dưỡng”, BS Hảo cho biết.

Một ví dụ khác, nhà sản xuất khuyến nghị uống 3 ly sữa sẽ cung cấp đủ đạm trong một ngày, nhưng nếu trong 3 ly sữa đó không đủ đạm sẽ khiến cơ thể người dùng thiếu chất, nếu kéo dài, cơ thể không đủ chất để sinh ra năng lượng.

Nếu sản phẩm sữa giả, kém chất lượng lại thêm phụ gia không được kiểm định an toàn thực phẩm, theo bác sĩ Hảo, điều này sẽ có nguy cơ khiến người dùng suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa, thậm chí có thể có hại hơn nếu liên quan đến hormone tăng trưởng.

Không ít nhà sản xuất quảng cáo sản phẩm sữa có bổ sung yến, thêm đông trùng hạ thảo… nghe “xa xỉ”, “chất lượng” nhưng theo bác sĩ Hảo, không phải sản phẩm nào thêm các thành phần này cũng tốt, mà phải phụ thuộc vào tình trạng của người bệnh.

“Việc tự thêm các thành phần và hàm lượng khác với công bố khiến hộp sữa như một nồi lẩu”, bác sĩ Hảo ví von, trong khi đó, người dân bình thường sẽ không thể biết được vì không ai đi định lượng sữa.

Theo bác sĩ Hảo, sản phẩm được công bố không đúng theo nhãn mác rất nguy hiểm cho người sử dụng cả về chất lượng và tăng trưởng.

“Việc sử dụng sữa giả có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, ví như:

Gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, nôn ói, đầy bụng do các thành phần không phù hợp hoặc nhiễm khuẩn.

Suy dinh dưỡng cấp hoặc mãn tính, trẻ nhẹ cân, thấp còi do thiếu hụt các vi chất thiết yếu như protein, canxi, sắt, kẽm, vitamin D, DHA...

Ảnh hưởng tới quá trình phát triển trí tuệ ở trẻ: Thiếu hụt các vi chất như DHA, choline, sắt có thể gây chậm phát triển nhận thức, giảm khả năng học hỏi và tư duy ở trẻ.

Tiềm ẩn nguy cơ nhiễm độc nếu sữa giả có chứa kim loại nặng, chất tạo màu hoặc chất bảo quản vượt mức cho phép”, BS Đinh Minh Trí, Đại học Y dược TP HCM cho biết.

Thúy Nga