Khám phá

Xương rồng là thực phẩm siêu bổ dưỡng?

  • Tác giả : Bảo Khánh
(khoahocdoisong.vn) - Xương rồng có phải là thực phẩm siêu bổ dưỡng, là xu hướng thực phẩm mới trong tương lai?

Xương rồng nhiều vitamin, dưỡng chất?

Theo thông tin đăng tải trên một số tờ báo dẫn lại từ một số nghiên cứu khoa học, ăn lá xương rồng giúp giảm lượng cholesterol trong cơ thể, chống lại bệnh ung thư, bảo vệ tế bào não, chữa bệnh tiểu đường, tăng cường hệ tiêu hóa, giảm chứng viêm... Trên thế giới, có 2 loại xương rồng phổ biến và tốt cho sức khỏe là xương rồng nopal (xương rồng tai thỏ) và xương rồng lê gai. Song chỉ có xương rồng tai thỏ, một loại xương rồng mỏng dẹt có hình elip được sử dụng làm thực phẩm chủ yếu ở vùng Mỹ Latinh, các quốc gia châu Âu và hiện đang được trồng nhiều ở Việt Nam.

Ở nhiều nơi trên thế giới, xương rồng còn được chế biến thành những món ăn tuyệt vời. Theo thống kê của tờ Daily Mail, có khoảng hơn 350 món ăn chế biến từ cây xương rồng, như salad xương rồng, xương rồng xào tỏi, gỏi xương rồng, nước ép xương rồng … Ở Mexico và các quốc gia Châu Mỹ, các món ăn từ xương rồng rất phổ biến và được xem là một món rau xanh, có trong thực đơn hàng ngày của mọi gia đình. Với người dân Tây Ban Nha, thực phẩm từ xương giàu chất sắt, vitamin B và C này rất ngon và tốt cho sức khỏe.

Còn ở Việt Nam, xương rồng có phải là một loại thực phẩm? PGS.TS Trần Hợp, nguyên giảng viên khoa Sinh học, ĐHKHTN, ĐHQG TP HCM cho biết, ông đang viết cuốn sách tập hợp các loài xương rồng có ở Việt Nam, tuy nhiên việc coi xương rồng là một nguồn thực phẩm như rau xanh thì vẫn là điều mới lạ. Xương rồng có hàng trăm loài với 4-5 họ khác nhau. Loại xương rồng tai thỏ, mỏng, dẹt như bàn tay được trồng khá phổ biến nhưng chưa được khai thác như một loại thực phẩm mà mới chỉ dùng cho chăn nuôi dê, cừu ở vùng Ninh Thuận, Bình Thuận.

“Cây xương rồng có ưu điểm thành phần chính là nước, nhựa cây, nên nhiều khi người dân khát nước có thể hái quả ăn giải khát. Tuy nhiên để chế biến nó thành món ăn thì chưa bởi phần nhựa của xương rồng tạo ra vị không dễ ăn hay chế biến. Xương rồng nói chung không có độc tố gì, chỉ có điều khi chế biến thành món ăn có ngon hay không lại là điều cần bàn”, PGS.TS Trần Hợp cho biết.

Chưa có nghiên cứu về thành phần

Theo PGS.TS Trần Hợp, do chưa coi xương rồng là thực phẩm nên hiện ở Việt Nam chưa có đề tài nghiên cứu chính thức nào về thành phần của xương rồng. Loại xương rồng được dùng làm thực phẩm ở Nam Mỹ và một số nước là loài xương rồng khác với các loài xương rồng trồng ở Việt Nam. Do điều kiện địa lý đặc thù nên loại xương rồng đó thường có lá rất to, thân cao, có giá trị để làm thực phẩm. Còn xương rồng trồng ở Việt Nam thường là những cây nhỏ, ít có giá trị kinh tế. Chỉ một số vùng như Ninh Thuận, Bình Thuần sử dụng để nuôi dê.

“Xương rồng cũng gần giống như nha đam, nhưng nhựa xương rồng thường chát, khó chế biến thành thực phẩm. Tuy nhiên có thể người dân một số vùng quen với khẩu vị của loài xương rồng nên có thể biến chúng thành món ăn lạ. Vì có đặc tính là không độc nên việc ăn lá xương rồng là vô hại, nhưng cho rằng đây là loại thực phẩm siêu thần kỳ, bổ dưỡng hơn tất cả các loài rau, cực kỳ giàu vitamin và dưỡng chất, chữa được nhiều loại bệnh, tuyệt đối an toàn cho sức khỏe… thì lại là một cách thổi phồng không có căn cứ khoa học về xương rồng”, PGS.TS Trần Hợp.

Nói về khả năng xương rồng có thể thay thế các loại rau trong tương lai, PGS.TS Trần Hợp cho rằng, khó có thể xảy ra. Hiện công nghệ trồng cấy rau rất phát triển, từ thủy canh đến khí canh, không tốn nhiều diện tích. Mỗi loại rau lại cung cấp một loại vitamin và khoáng chất khác nhau, hương vị cũng khác nhau. Trong khi vị của xương rồng ngai ngái, không dễ ăn, không phổ biến, nên khó có thể thay thế các loại rau khác.

“Để biến xương rồng này thành thực phẩm thì phải nghiên cứu kỹ về thành phần, ngành y tế phải khảng định các hoạt chất có trong nó là gì, có tác dụng ra sao, chứ không sử dụng làm thực phẩm một cách tự phát được”, PGS.TS Trần Hợp

Bảo Khánh