KINH TẾ

Xuất khẩu khẩu trang: Cơ hội có, nhưng khó đáp ứng

  • Tác giả : Tuyết Vân
(khoahocdoisong.vn) - Cơ hội xuất khẩu sản phẩm khẩu trang y tế, đồ bảo hộ sang các thị trường đang thiếu trang thiết bị phòng dịch Covid-19 như Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản được cho là rất lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn gặp khó để nắm bắt cơ hội này.
Sản xuất khẩu trang vải (ảnh minh họa).

Sản xuất khẩu trang vải (ảnh minh họa).

Cung lệch cầu

Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Phòng Thương mại Los Angeles mới đây thông báo cần nhập khẩu 500 triệu chiếc khẩu trang N95, 200 triệu chiếc khẩu trang (các loại khác), 200 triệu chiếc mặt nạ phòng hộ, 1 tỉ chiếc găng tay và 1.000 máy trợ thở... Tương tự, Văn phòng Thống đốc California, cơ quan dịch vụ khẩn cấp cũng có nhu cầu mua 500 triệu chiếc khẩu trang N95. Chưa kể, thị trường Tây Ban Nha, Liên minh châu Âu (EU) cũng đang có nhu cầu rất lớn về khẩu trang N95, mắt kính bảo hộ và quần áo bảo hộ...

Khẩu trang chuẩn N95 đang là loại vật tư y tế được lùng mua ráo riết trên toàn thế giới. Thế nhưng, theo công văn 403/BYT-TB-CT tại Việt Nam, chỉ có hai doanh nghiệp "có khả năng sản xuất khẩu trang N95 hoặc tương đương". Khoảng 22 đơn vị đủ điều kiện sản xuất khẩu trang y tế 3 - 4 lớp. Còn lại chủ yếu là sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn, chống giọt bắn và các loại khẩu trang vải thông thường.

Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhiều DN đã chủ động tăng cường năng lực sản xuất mặt hàng khẩu trang vải kháng khuẩn. Tuy nhiên, phần lớn DN dệt may trước đây không sản xuất khẩu trang, chủ yếu gia công theo đơn hàng nên không có kênh phân phối và không biết sản xuất ra để bán cho ai. DN bắt buộc phải tìm đầu ra cho khẩu trang vải bởi thị trường trong nước đã quá tải. Chênh lệch quá lớn giữa năng lực sản xuất và tiêu thụ đã đẩy các DN sản xuất khẩu trang vải đến nguy cơ tồn kho cao, sản phẩm dư thừa, không tiêu thụ được.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM (Agtek) cho biết, các DN trong hội đang lo "giải cứu" khẩu trang vải. Một số hội viên Agtek sản xuất số lượng lớn theo đơn đặt hàng nhưng bên mua trong nước không nhận, hoặc đề nghị giãn tiến độ giao hàng vì tiêu thụ quá chậm.

Số liệu của Cục Công nghiệp thuộc Bộ Công Thương mới đây ghi nhận, chỉ tính riêng 50 DN đã có báo cáo với Bộ Công Thương, năng lực sản xuất khẩu trang đã lên đến 8 triệu chiếc/ngày, tức là khoảng 200 triệu chiếc mỗi tháng. Nếu tính trên quy mô cả nước thì sản lượng sẽ lớn hơn rất nhiều.

Theo Chủ tịch Agtek, các DN cũng tìm cách xuất khẩu, một số nhà mua hàng nước ngoài cũng đề nghị chào hàng nhưng vướng rất nhiều vấn đề về tiêu chuẩn y tế, nguyên liệu, quy cách sản phẩm… Người mua hàng cũng lúng túng vì thứ họ cần thật sự là khẩu trang y tế chứ không phải khẩu trang vải.

Khó khăn lớn nhất mà tất cả các nhà sản xuất Việt Nam phải đối mặt, đó là thói quen sử dụng khẩu trang của người dân tại các thị trường nhập khẩu. Một số DN cho biết người dân khu vực châu Âu chỉ sử dụng khẩu trang y tế, không có thói quen sử dụng khẩu trang vải giặt đi giặt lại nhiều lần để tái sử dụng, do vậy, điều này rất cản trở việc xuất khẩu sản phẩm khẩu trang vải của DN may mặc Việt Nam.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu Bộ Công Thương khuyến cáo, khẩu trang cũng như các thiết bị phòng hộ cá nhân (PPE) khác đều là những mặt hàng có liên quan đến sức khỏe, sự an toàn của người sử dụng. Do vậy, các nước nhập khẩu thường có những tiêu chuẩn về chất lượng đối với các mặt hàng này. Đối với các thị trường như EU và Mỹ, các tiêu chuẩn này là bắt buộc. Do vậy, các DN không đạt chuẩn, hàng hóa sẽ gặp khó khăn khi nhập khẩu và bị trả lại.

Khẩu trang N95 rất ít DN trong nước sản xuất.

Khẩu trang N95 rất ít DN trong nước sản xuất.

Rất khó chen chân

Thông tin từ Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, hiện nhiều DN Việt Nam đã gửi mẫu và đơn chào hàng sản phẩm khẩu trang vải đi thị trường Mỹ, Úc, Nhật Bản và EU. Tuy nhiên, bên cạnh yêu cầu tiêu chuẩn khá cao của các đối tác, mỗi quốc gia lại đòi hỏi một tiêu chuẩn khác nhau đối với khẩu trang kháng khuẩn.

Một số DN Việt “lách” bằng cách dùng giấy chứng nhận lưu thông hàng hóa tự do (CE) trong EU và Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) do các tổ chức không được EU công nhận cấp để xuất khẩu khẩu trang, vật tư y tế vào thị trường này. Tuy nhiên, phải có “hộ chiếu thương mại” CE mới được xuất khẩu chính ngạch. Vì vậy, vừa qua, một số DN dùng mẫu CE không được EU công nhận đã không thể đưa khẩu trang vào Đan Mạch. Mặc dù, trong thời điểm dịch bệnh, EU đã nới lỏng các tiêu chuẩn cho các mặt hàng thiết yếu, vật tư y tế nhưng vẫn phải đảm bảo đủ các điều kiện để gắn dấu CE (được thông qua bởi ba tổ chức: CEN, CENELEC và ETSI).

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Vitajean cho biết, yêu cầu khẩu trang phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 của các nước châu Âu và Mỹ hết sức khó khăn. DN phải minh bạch hóa toàn bộ thông tin sản phẩm trong hợp đồng với đối tác nhập khẩu: cấu trúc thành phần vải, hàm lượng hóa chất, cam kết về khả năng kháng khuẩn của sản phẩm, kết quả kháng khuẩn... Mỗi đợt xuất hàng đi nhà sản xuất phải cung cấp về kết quả kiểm tra đạt tiêu chí phòng chống dịch theo quy định của nước sở tại.

Bên cạnh đó, theo một số DN, việc có được chứng nhận Oeko-Tex Standard 100 về xuất xứ nguyên liệu vải để từ đó xuất khẩu khẩu trang vào Mỹ và châu Âu cũng là điều không dễ dàng. Quy trình thẩm định, đánh giá để đạt chứng nhận này không thể hoàn tất trong ngày một ngày hai, đặc biệt trong bối cảnh chính phủ các nước siết chặt lệnh hạn chế di chuyển nhằm phòng chống dịch. Do vậy, việc xuất khẩu khẩu trang đi các nước đã gặp khó khăn lớn.

Sản xuất khẩu trang y tế.

Sản xuất khẩu trang y tế.

Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam có đủ năng lực để trở thành một quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới. Tuy nhiên, trên thế giới, nhắc đến khẩu trang đồng nghĩa với khẩu trang y tế, việc sử dụng khẩu trang vải chưa trở nên phổ biến. Vì vậy, Việt Nam cần tích cực thông tin, quảng bá thêm để các đối tác nhận biết được lợi ích của khẩu trang vải và chuyển sang sử dụng loại khẩu trang này.

Mặt khác, công tác xúc tiến thương mại, tìm khách hàng cần được đẩy mạnh trong bối cảnh nhiều khách hàng nước ngoài chưa biết về khả năng sản xuất khẩu trang vải của Việt Nam. Việt Nam cần tăng cường viện trợ khẩu trang vải kháng khuẩn cho các nước, thông qua đó sẽ thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế, giúp đẩy nhanh xúc tiến thương mại sản phẩm.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng khuyến cáo, khi dịch bệnh qua đi, nhu cầu về khẩu trang cũng sẽ giảm xuống. Do vậy, đây là một mặt hàng thời vụ, tính ổn định không cao, các DN cần thận trọng khi đầu tư sản xuất.

Tuyết Vân