Trong nước

Xử phúc thẩm vụ AIC: Vì sao tòa bác kháng cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn?

  • Tác giả : Tâm Đức
Sáng 22/5, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại BV Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan.
Đáng chú ý, tại phiên tòa, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 7 bị cáo bị truy nã vẫn tiếp tục vắng mặt. Hội đồng xét xử xin ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội.
Đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm, hiện 8 bị cáo bị truy nã, đến nay chưa có kết quả, chưa ra trình diện.
Viện Kiểm sát thấy Tòa sơ thẩm đã xét xử, đánh giá hành vi, tuyên bản án theo đúng quy định của pháp luật. Sau đó, các bị cáo có quyền kháng cáo lên cấp phúc thẩm.
Xu phuc tham vu AIC: Vi sao toa bac khang cao Nguyen Thi Thanh Nhan?
8 bị cáo hiện đang bỏ trốn.
Để đảm bảo 8 bị cáo được xét xử đúng luật, khách quan, mặc dù không có mặt tại phiên tòa để đảm bảo quyền của mình, nhưng theo quy định của pháp luật, xét nguyên tắc có lợi cho bị cáo, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xét xử theo đúng quy định của pháp luật, chấp thuận hay không việc kháng cáo thay này.
Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử cho rằng, từ khi chuẩn bị xét xử sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm đã thực hiện việc tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử đối với các bị cáo bị truy nã theo đúng thủ tục, đồng thời yêu cầu các bị cáo ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật nhưng cho đến phiên tòa sáng 22/5, các bị cáo vẫn vắng mặt.
Do các bị cáo bỏ trốn và bị truy nã, việc truy nã không có kết quả, nên Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử vắng mặt các bị cáo theo đúng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 290 Bộ luật Tố tụng hình sự. Sau khi xét xử sơ thẩm, bản án sơ thẩm được niêm yết công khai theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xét thấy các bị cáo bỏ trốn từ giai đoạn điều tra, bị Cơ quan điều tra ra quyết định truy nã, đến nay chưa có kết quả, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử vắng mặt các bị cáo, thực hiện việc niêm yết bản án (để thực hiện quyền kháng cáo của những người vắng mặt) theo đúng quy định của pháp luật.
Theo nhận định của Tòa phúc thẩm, các bị cáo đều không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 331 Bộ luật Tố tụng hình sự (là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất).
Sau khi xét xử sơ thẩm, do các bị cáo vắng mặt nên Tòa án cấp sơ thẩm đã niêm yết công khai bản án tại nơi cư trú của các bị cáo theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 262 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Tuy nhiên, hết thời hạn kháng cáo, Tòa án cấp sơ thẩm không nhận được đơn kháng cáo của các bị cáo vắng mặt.
Hội đồng xét xử cho rằng, theo quy định của pháp luật, trong trường hợp này, kháng cáo phải do các bị cáo tự thực hiện. Người bào chữa, cũng như thân nhân của các bị cáo không có quyền kháng cáo cho bị cáo.
Hội đồng xét xử cũng cho biết việc các bị cáo bỏ trốn, bị truy nã, đến nay chưa có kết quả cũng đã thể hiện việc các bị cáo tự từ bỏ quyền của bị can, bị cáo theo quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, trong đó có quyền kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm theo quy định trong Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Do đó, Tòa phúc thẩm đủ căn cứ xác định trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị, phần quyết định của bản án sơ thẩm đối với các bị cáo không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị.
Theo đó, Tòa phúc thẩm xét thấy không có căn cứ để chấp nhận việc những người bào chữa có đơn kháng cáo cho các bị cáo nêu trên. Các quyết định của bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đối với các bị cáo nêu trên có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Đối với các bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết, Ngô Thế Vinh, Hội đồng xét xử cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm có tiếp nhận lưu trong hồ sơ thể hiện có đơn đề “Đơn kháng cáo”, người gửi Nguyễn Đăng Thuyết, Ngô Thế Vinh, phong bì đựng đơn được gửi từ nước Mỹ.
Tuy nhiên, cấp phúc thẩm xét thấy những đơn này không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền (Cục Lãnh sự hoặc cơ quan đại diện ngoại giao...). Đến nay các bị cáo chưa ra trình diện trước pháp luật, không có tài liệu nào chứng minh các bị cáo đã nhập cảnh về Việt Nam, cũng như không có căn cứ chứng minh về nhân thân của các bị cáo. Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm nhận định, không đủ căn cứ chấp nhận xem xét theo thủ tục xét xử phúc thẩm đối với các bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết, Ngô Thế Vinh.
Trước đó, theo bản án sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc AIC bị tuyên phạt 30 năm tù. Đây là tổng mức 16 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và 14 năm tù về tội “Đưa hối lộ”.
Các bị cáo Trần Mạnh Hà, Phó Tổng Giám đốc AIC bị tuyên sơ thẩm 25 năm tù, Nguyễn Đăng Thuyết, cựu Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội 30 tháng tù, Đỗ Mỹ Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cát Vân Sa, sơ thẩm 5 năm tù, Ngô Thế Vinh, Giám đốc Công ty Việt Tiên, sơ thẩm 4 năm tù, Nguyễn Thị Tích, Tổng Giám đốc Công ty Mopha, sơ thẩm 4 năm tù, Nguyễn Thị Sen, cựu Giám đốc Công ty thiết bị y tế và môi trường, sơ thẩm 4 năm tù, Đỗ Văn Sơn, cựu kế toán AIC, sơ thẩm 6 năm tù.

>>> Mời độc giả xem thêm video Trốn truy nã 26 năm vẫn được làm chánh văn phòng tòa án


Nguồn: VTV1

Tâm Đức