Khoa học & Công nghệ

Xu hướng công nghệ vượt trội năm 2024

  • Tác giả : Đinh Thanh
Trí tuệ nhân tạo, toán lượng tử, Internet vạn vật, công nghệ 5G, máy tính lượng tử, công nghệ bền vững,… được dự báo tiếp tục là những xu hướng công nghệ nổi bật, định hình thế giới vào năm 2024.

Những năm gần đây, thế giới đã và đang trải qua thời kỳ phát triển công nghệ vô cùng mạnh mẽ làm thay đổi nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Năm 2024 được kỳ vọng tiếp tục có nhiều đột phá hơn nữa, đặc biệt là sự hội tụ và tương tác giữa nhiều xu hướng công nghệ.

AI hiện diện trong các lĩnh vực

Trí tuệ nhân tạo (AI) là xu hướng công nghệ, hơn nữa, là sự đổi mới công nghệ quan trọng nhất của thời đại mới. AI nói chung và các công nghệ máy học (machine Learning), học sâu (deep learning), AI tạo sinh nói riêng đang tạo ra các hệ thống có thể tự học, tự thích ứng và tự có khả năng hoạt động.

Được kết hợp với các nền tảng mạng xã hội và các hệ sinh thái kỹ thuật số, AI sẽ cách mạng hóa mạnh mẽ sự hiểu biết của doanh nghiệp về sở thích của khách hàng cũng như các phương pháp kích thích, thu hút khách hàng tốt nhất và thay đổi hành vi của họ thành kết quả mong muốn. Sức mạnh của AI cho phép các doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm và dịch vụ phù hợp hơn.

Năm 2023 chứng kiến sự bùng nổ của AI với sự ra đời của ChatGPT và sự tham gia của các ông lớn công nghệ như Google, Microsoft, Alibaba.

Sang năm 2024, AI được dự báo tiếp tục có ảnh hưởng mạnh mẽ vào cuộc sống với những ứng dụng vào xe tự lái, chẩn đoán chăm sóc y tế cho đến nhà thông minh.

John Roese, Giám đốc công nghệ toàn cầu của Dell Technologies cho biết, AI tạo sinh khơi dậy những ý tưởng sáng tạo về cách nó hoạt động và biến đổi thế giới trong 2023. Bước sang 2024, chúng ta sẽ chứng kiến làn sóng các dự án AI tạo sinh đạt đến mức độ trưởng thành, bộc lộ những khía cạnh quan trọng và hữu ích vốn chưa được hiểu rõ trong giai đoạn đầu.

Công nghệ kết nối siêu tốc 5G và Internet vạn vật (IoT)

5G là thế hệ thứ 5 của công nghệ di động không dây, với tốc độ tải lên và tải xuống nhanh hơn, kết nối ổn định hơn, và dung lượng được cải thiện so với các mạng trước đây. Các công nghệ như xe tự lái, và phương tiện truyền phát trực tiếp yêu cầu kết nối dữ liệu tốc độ cao, sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ kết nối 5G.

Công nghệ mạng 5G được phát triển và trở thành chuẩn giao tiếp chính trong năm 2024. Chính công nghệ này sẽ mở ra cánh cửa của một thế giới hoàn toàn mới với Internet vạn vật (Internet of Things, IoT), nơi hàng tỷ thiết bị được kết nối và giao tiếp với nhau.

Tác động của IoT rất đa dạng trên các lĩnh vực như quản lý hạ tầng, y tế và tự động hóa, giao thông… Cụ thể, trong lĩnh vực y tế, thiết bị IoT được sử dụng để cho phép theo dõi sức khỏe từ xa và hệ thống thông báo khẩn cấp. Các thiết bị theo dõi sức khỏe có thể dao động từ huyết áp và nhịp tim với các thiết bị tiên tiến có khả năng giám sát cấy ghép đặc biệt, chẳng hạn như máy điều hòa nhịp tim hoặc máy trợ thính tiên tiến.

Ở Việt Nam, IoT là một lĩnh vực đang phát triển rất nhanh. Theo báo cáo của GSMA Intelligence, số lượng các thiết bị IoT tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ 21 triệu vào năm 2018 lên đến 96 triệu vào năm 2025. Còn theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), quy mô thị trường IoT Việt Nam đã đạt hơn 2 tỷ USD vào năm 2019, dự kiến có thể đạt 7 tỷ USD vào năm 2025.

Công nghệ bền vững

Công nghệ bền vững (còn gọi là công nghệ môi trường, công nghệ xanh, công nghệ sạch) là thuật ngữ chung mô tả tất cả những đổi mới sáng tạo có xem xét đến yếu tố tài nguyên thiên nhiên và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Mục tiêu của các công nghệ này là giảm đáng kể rủi ro môi trường và sinh thái, đồng thời tạo ra một sản phẩm bền vững. Chúng có thể bao gồm ứng dụng của một loạt công nghệ số như AI, blockchain, điện toán đám mây, thực tế mở rộng (ER), tự động hóa quy trình bằng robot (RPA) và nhiều công nghệ khác.

Công nghệ bền vững tiếp tục chiếm vị trí trung tâm năm 2024 khi các quốc gia và các tập đoàn quy mô lớn trên thế giới tiếp tục nỗ lực thực hiện các cam kết không ảnh hưởng đến môi trường. Đồng thời, các cá nhân sẽ được khuyến khích tận dụng công nghệ để làm giảm tác động đến môi trường.

Trong một cuộc khảo sát gần đây của Công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường Gartner (Mỹ), các giám đốc điều hành (CEO) cho biết, những thay đổi về môi trường và xã hội hiện nằm trong ba ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư sau lợi nhuận và doanh thu. Điều này có nghĩa là, các CEO phải đầu tư nhiều hơn vào các giải pháp sáng tạo được thiết kế để giải quyết nhu cầu về môi trường, xã hội và quản trị để đáp ứng các mục tiêu bền vững.

Điện toán lượng tử (Quantum Computing)

Điện toán lượng tử là lĩnh vực đa ngành bao gồm nhiều khía cạnh của khoa học máy tính, vật lý và toán học vận dụng cơ học lượng tử để giải quyết những vấn đề phức tạp nhanh hơn so với máy tính cổ điển.

Điện toán lượng tử sẽ tiếp tục phát triển, có khả năng giải quyết các vấn đề mà máy tính cổ điển hiện không thể giải quyết được. Nó sẽ có các ứng dụng trong mật mã, khám phá thuốc và tối ưu hóa các hệ thống phức tạp, tác động đến các ngành công nghiệp trên diện rộng.

Điện toán lượng tử, sử dụng các hạt hạ nguyên tử để tạo ra các cách xử lý và lưu trữ thông tin mới, là một bước nhảy vọt về công nghệ được kỳ vọng sẽ mang đến cho chúng ta những chiếc máy tính có khả năng hoạt động nhanh hơn hàng nghìn tỷ lần so với các bộ xử lý truyền thống nhanh nhất hiện nay.

Yếu tố khác biệt đáng kể của xu hướng công nghệ này là máy tính lượng tử có khả năng xử lý nhanh hơn nhiều so với máy tính thông thường, đó là lý do tại sao các công ty lớn như Microsoft, Amazon và Google đang nỗ lực đổi mới và đầu tư rất nhiều nguồn lực vào lĩnh vực này. Trên thực tế, quy mô thị trường điện toán lượng tử toàn cầu ước đạt 10,13 tỷ USD trong năm 2022 và dự kiến sẽ vượt qua 125 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ CAGR dự kiến là 36,89% trong giai đoạn dự báo 2022 - 2030.

Mối nguy hiểm tiềm ẩn của điện toán lượng tử là nó có thể khiến các hoạt động mã hóa hiện tại trở nên vô dụng. Vì vậy, bất kỳ quốc gia nào phát triển điện toán lượng tử trên quy mô lớn đều có thể phá vỡ mã hóa của các quốc gia, doanh nghiệp, hệ thống bảo mật khác,… Đây là xu hướng cần theo dõi cẩn thận vào năm 2024 khi các quốc gia như Mỹ, Anh, Trung Quốc và Nga đang đổ tiền vào phát triển công nghệ điện toán lượng tử.

Không thể phủ nhận những lợi ích vô cùng to lớn mà những tiến bộ công nghệ mang lại. Nhưng đi kèm với đó là những thách thức không nhỏ buộc con người phải đối mặt. Những vấn đề liên quan đến đạo đức trong thời đại số và quyền riêng tư trở thành sự quan tâm của mọi người ở nhiều lĩnh vực và ngành nghề khác nhau.

Trong bối cảnh mối lo ngại ngày càng tăng về quyền riêng tư dữ liệu và đạo đức kỹ thuật số, năm 2024 sẽ chứng kiến ​​​​sự gia tăng nhu cầu về các công nghệ ưu tiên kiểm soát người dùng và sử dụng dữ liệu có đạo đức. Người tiêu dùng và cơ quan quản lý sẽ thúc đẩy việc bảo vệ dữ liệu nghiêm ngặt hơn và thực hành AI có trách nhiệm.

Đinh Thanh