Dữ liệu y khoa

Xơ cứng lòng bàn tay, cẩn thận xơ hóa và co rút cân gan tay

  • Tác giả : ThS.BS Trần Quyết (Khoa Phẫu thuật chi trên, Bệnh viện Đa khoa Q
Nếu một ngày bỗng dưng bạn phát hiện nốt xơ cứng ở lòng bàn tay, thậm chí chẳng có cảm giác đau. Hãy cẩn thận vì có thể đó là dấu hiệu đầu tiên về một bệnh lý của bàn tay hết sức âm thầm: Bệnh xơ hóa và co rút cân gan tay Dupuytren.

Dupuytren là bệnh lý xuất phát từ sự dày lên và co rút lớp cân gan tay, dẫn tới tình trạng một hoặc nhiều ngón tay bị co rút, gấp vào lòng bàn tay, mất dần khả năng duỗi các ngón.

Nguyên nhân bệnh lý cho đến nay vẫn chưa được biết chính xác, tuy nhiên các yếu tố nguy cơ bao gồm: Tuổi (trên 50); Giới (nam nhiều hơn gấp ba lần ở nữ và cũng có nguy cơ tiến triển nặng hơn); Tiền sử gia đình có người mắc bệnh; Hút thuốc, đặc biệt là những người hút trên 25 điếu/ngày; Nghiện rượu; Người mắc bệnh tiểu đường hoặc động kinh; Người lao động chân tay, sử dụng dụng cụ máy móc rung mạnh.

Bệnh Dupuytren thường diễn biến theo 3 giai đoạn: Giai đoạn tăng sinh: Bắt đầu xuất hiện nốt nhỏ xơ hóa ở lòng bàn tay. Giai đoạn xâm lấn: Xơ hóa tiến triển dọc theo dải cân lan tới các ngón tay tạo thành các đường xơ hóa. Giai đoạn 3: Bệnh thường tiến triển nặng hơn, một số ít trường hợp có thể ổn định và thậm chí thoái lui.

xo-hoa-tay-1.jpg
Xơ cứng lòng bàn tay, cẩn thận xơ hóa và co rút cân gan tay.

Người bệnh thường có các biểu hiện: Giảm tầm vận động của các ngón tay; Mất đi sự linh hoạt, khéo léo của các động tác; Cảm nhận có một nút thắt hay sự dày lên tại lòng bàn tay trong nhiều năm và dần tiến triển nặng; Một số trường hợp có kèm ngứa rát tại chỗ, tuy nhiên hiếm khi gây đau. Tần suất xuất hiện ở các ngón là: Nhẫn, út, giữa, trỏ. Bệnh nhân mắc bệnh Dupuytren có nhiều lựa chọn điều trị, có thể chọn phẫu thuật hoặc không phẫu thuật, phần lớn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, mức độ biến dạng và hạn chế chức năng.

xo-hoa-tay-4.jpg
Biểu hiện của xơ cứng lòng bàn tay khi duỗi thẳng.

1. Lựa chọn theo dõi: Ở các bệnh nhân Dupuytren không tiến triển, không đau, sự co rút tối thiểu và không bị suy giảm chức năng vận động, có thể lựa chọn theo dõi, tái khám sau 6 - 12 tháng một lần.

2. Vật lý trị liệu: Giai đoạn đầu có thể vật lý trị liệu bằng nhiệt hoặc sóng siêu âm, sử dụng nẹp tùy chỉnh để tăng độ duỗi các ngón. Bài tập vận động cần thực hiện nhiều lần trong ngày.

3. Tiêm thuốc tiêu sợi collagenase: Tiêm cục bộ thuốc vào các nốt, dây xơ có tác dụng làm suy giảm và tan các dây xơ Dupuytren. Đây là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu.

4. Ngoài ra, cũng có thể tiêm corticoid, chiếu xạ.

5. Phẫu thuật: Mục tiêu của chăm sóc phẫu thuật là loại bỏ các cân mạc bị xơ hóa giúp ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh.

6. Cắt cân gan tay kín bằng kim qua da (PNF): Đây là một phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu dưới gây tê tại chỗ. Tuy nhiên, chống chỉ định trên các bệnh nhân có bệnh nhiễm trùng, dây xơ quá phức tạp và nguy cơ tái phát nhanh ở các bệnh nhân trẻ tuổi.

ThS.BS Trần Quyết (Khoa Phẫu thuật chi trên, Bệnh viện Đa khoa Q