NHÌN THẲNG

Xét xử các đại án kinh tế: Dọn dẹp cho thể chế

Hàng loạt vụ đại án kinh tế vừa xét xử trong thời gian qua cho thấy, một cuộc dọn dẹp thể chế kinh tế bằng cách dùng luật hình sự đang được khởi động. Làm sao để công cụ này phát huy hiệu quả?

Trong không gian xã hội, các hoạt động kinh tế diễn ra đa dạng, phức tạp và sôi động. Nhà nước với tư cách người quản lý không thể để chúng diễn ra lộn xộn, hỗn loạn cản trở sự phát triển. Vì thế, một trật tự cho hoạt động kinh tế được Nhà nước xác lập và “canh giữ” bằng các quy định trong đó có luật hình sự và xử lý tội phạm về kinh tế.

Hàng loạt vụ đại án kinh tế đã và đang xét xử trong thời gian qua cho thấy, một cuộc dọn dẹp thể chế kinh tế bằng cách dùng luật hình sự đang được khởi động. Nếu coi thể chế kinh tế là một không gian, trạng thái mà ở đó các hoạt động kinh tế diễn ra, thì rõ ràng các tội phạm kinh tế là điều không thể chấp nhận được trong thể chế kinh tế khỏe khoắn, lành mạnh.

Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế có thể được gọi một cách khác là các tội “xâm phạm thể chế kinh tế”. Trong nhóm tội này, tội Cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế (QLKT) gây hậu quả nghiêm trọng là tội tạo ra tranh cãi khá ồn ào thời gian qua.

Tội này không còn trong Bộ luật hình sự (BLHS) Việt Nam nữa, thay vào đó là 9 tội danh mới, đem đến hi vọng cho cuộc thanh lọc thể chế kinh tế của chúng ta. Nhưng thanh lọc nếu không thận trọng sẽ vừa bỏ lọt tội phạm vừa làm oan người vô tội, khiến cho thể chế kinh tế chẳng những không lành mạnh mà còn tiềm ẩn bất an cho những doanh nhân chân chính.

Bị cáo Trầm Bê và Phạm Công Danh tại phiên tòa xét xử “đại án kinh tế” VNCB chiều 1/2.

Vận dụng các triết lý nền tảng của thể chế kinh tế

Có thể nói tội Cố ý làm trái các quy định về QLKT gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 BLHS 1999 “quét” gần như toàn bộ các hành vi gây nguy hại cho thể chế kinh. Vì thế, cái mà người ta lo ngại và cũng là lý do đem lại nguy cơ vướng vòng lao lý cho người quản lý kinh tế chính là độ “phủ sóng rộng và tính “mung lung” của nó.

Đặc trưng của các tội trong nhóm các xâm phạm trật tự quản lý kinh tế chính là hành vi làm trái các quy định về QLKT trong các lĩnh vực khác nhau, như xuất nhập khẩu (tội buôn lậu), đất đai (tội vi phạm quy định về quản lý đất đai), ngân hàng (tội vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng)… Tội Cố ý làm trái các quy định về QLKT như một nút chặn cuối cùng quét tất cả các hành vi cố ý làm trái trong các lĩnh vực còn lại của thể chế kinh tế mà các điều luật khác chưa dự liệu.

Chính vì quá rộng như vậy, nhà lập pháp đã quyết định bỏ tội danh này trong BLHS 1999 bằng cách cụ thể hóa các hành vi vi phạm các quy định về QLKT trong các lĩnh vực khác nhau thành 9 tội cụ thể: cố ý làm trái quy định về đầu tư, đấu thầu, bảo hiểm, chứng khoán… trong BLHS 2015 với hy vọng đem đến sự rõ ràng, chính xác cho quá trình áp dụng. Đây là bước tiến đáng ghi nhận cho việc nâng cao tính minh bạch, dễ dự đoán của pháp luật nói chung và hình luật nó riêng.

Tuy nhiên, đặc trưng trong cấu thành của các tội Cố ý làm trái các quy định về QLKT là hành vi “làm trái các quy định về QLKT”. Để quản lý kinh tế, chúng ta đang có rừng quy phạm ở mọi cấp độ, từ quy phạm nền tảng là Hiến pháp đến nghị định, thông tư, thậm chí là quyết địnhchỉ đạo, điều hành kinh tế của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước. Đấy là chưa kể các quy định đó còn chưa ổn định, chồng chéo, mâu thuẫn, diễn giải khác nhau. Trong rừng quy phạm đó, người quản lý kinh tế ắt vừa làm vừa run.

Chính vì thế, tính mung lung của các tội danh mang tính chất “cố ý làm trái” trong BLHS 2015 vẫn chưa giải quyết triệt để khi nhiều tội phạm kinh tế mới được bổ sung đều có cụm từ “làm trái các quy định”. Làm trái quy định là quy định nào? Điều lệ của Tập đoàn kinh tế nhà nước chỉ đạo mang tính chất điều hành của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có phải là quy định về quản lý kinh tế không?

Quy phạm của hình luật mang tính khái quát, giải thích nó không gì tốt hơn chính là phán quyết của Tòa án, bởi không phải ngẫu nhiên hệ thống pháp luật Anh – Mỹ (common law) công nhận án lệ của tòa. Dư luận đang trông chờ rất nhiều ở phán quyết như thế của Tòa án nước ta thông qua các bản án xử lý các vụ án kinh tế cụ thể trong gian qua. Thiệt hại trong vụ án kinh tế được tính toán trên cơ sở nào? Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt tài sản của ai? Trong vụ Trầm Bê, BIDV có bị thiệt hại không? Và vì sao?, v.v… Tất cả những vấn đề đó sẽ được tháo gỡ bằng cái đầu uyên bác và thông thái của thẩm phán thông qua bản án mà giải thích pháp luật.

Muốn như vậy, phải coi đằng sau mỗi quy phạm của hình luật là kết tinh của một lý thuyết nào đó. Chẳng hạn có nước người ta xử tội hủy hoại tài sản nặng hơn tội trộm cắp tài sản. Lý thuyết giá trị đã được vận dụng để giải thích: khi trộm cắp tài sản, giá trị lao động kết tinh trong tài sản xét ở bình diện xã hội vẫn còn nguyên, bởi người này không sử dụng thì người khác sử dụng. Nhưng khi đốt nhà của người hàng xóm chẳng hạn thì không những chủ sở hữu mất quyền sở hữu mà xã hội cũng mất đi một giá trị.

Công cụ luật hình sự có phát huy được tác dụng trong việc dọn dẹp thể chế kinh tế hay không đòi hỏi các triết lý nền tảng của thể chế kinh tế – như quyền tự do kinh doanh và bảo vệ cạnh tranh lành mạnh, v.v… – phải được đưa vào pháp luật và vận dụng nó để giải thích, áp dụng pháp luật trong các vụ án hình sự về các tội xâm phạm thể chế kinh tế. Chỉ khi như vậy, bản án của Tòa đưa ra mới đạt được mục đích xử lý tội phạm kinh tế mà vẫn làm yên lòng các doanh nhân chân chính, đảm bảo sự an toàn của thể chế kinh tế.

Đầu năm nay, phát biểu trong một hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh việc cần “loại bỏ những băng nhóm xã hội đen trong nền kinh tế”. Thực vậy, tội phạm kinh tế phải bị tiêu diệt, đổi lại không phải là số lượng người đi tù mà là thể chế kinh tế lành mạnh.

TS Đinh Thế Hưng Viện Nhà nước và Pháp luật- VASS (theo VNN)