Y học và đời sống

Xét nghiệm máu phát hiện trầm cảm ở những người chấn thương tâm lý

Sắp tới, xét nghiệm máu có thể là công cụ để khẳng định và phát hiện sớm bệnh trầm cảm ở con người, đặc biệt ở những người từng gặp phải các tổn thương tâm lý hoặc bị bỏ rơi khi còn nhỏ.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện có hơn 300 triệu người mắc trầm cảm trên thế giới. Mặc dù, các triệu chứng trầm cảm khá dễ nhận thấy, nhưng các nhà khoa học vẫn còn rất nhiều điều muốn tìm hiểu về nó.

Theo các nhà khoa học, trầm cảm không phải là một căn bệnh duy nhất mà là một loạt các cảm xúc và hành vi có thể có những nguyên nhân khác nhau.

Bệnh trầm cảm là căn bệnh phổ biến hiện nay trên thế giới.

Giáo sư Tâm thần học Natalie Rasgon công tác tại Đại học Stanford cho biết: “Trầm cảm có thể biểu hiện khác nhau ở những người khác nhau. Trầm cảm không chỉ ảnh hưởng đến não bộ mà còn là toàn bộ cơ thể của bạn”.

Nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học Hoa Kỳ và Thụy Điển phát hiện ra rằng, trong máu của những người bị trầm cảm có một hóa chất tự nhiên được gọi là Acetyl-L-Carnitine (LAC) thường thấp hơn người bình thường.

Các nhà nghiên cứu thực hiện đo nồng độ LAC trong máu của 116 người tham gia và thấy rằng những người bị trầm cảm có mức độ hóa học thấp hơn đáng kể so với những người khỏe mạnh. Hai nhóm người ở hai bệnh viện khác nhau được kiểm tra theo cách trên và đều cho kết quả tương tự.

Cụ thể, mức độ LAC đặc biệt thấp ở những người bị trầm cảm nặng, đó là những người bắt đầu bị bệnh ở độ tuổi sớm hoặc có tiền sử chấn thương tâm lý từ thời thơ ấu. Mức độ thấp nhất ở nhóm phụ nữ bị trầm cảm không có chuyển biến tốt khi dùng thuốc hoặc liệu pháp điều trị trầm cảm trước đó, và những người bị chấn thương tâm lý hoặc bỏ bê thời thơ ấu.

Cơ thể con người tạo ra LAC từ một chất dinh dưỡng được gọi là carnitine, nhưng các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng mức carnitine giống nhau ở những người bị và không bị trầm cảm. Điều này cho thấy mức độ khác nhau của LAC trong cơ thể có thể là do trầm cảm chứ không phải do chế độ ăn uống.

Việc xét nghiệm máu giúp nhận biết rõ được mức độ trầm cảm của người bệnh.

Trong cơ thể người, LAC thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng, bao gồm cả việc điều chỉnh cách bộ não và hệ thần kinh sử dụng năng lượng. Nó cũng có thể tương tác với DNA để thay đổi cách biểu hiện gen nhất định.

Trong các nghiên cứu trước đây, LAC được chứng minh là có hiệu quả và nhanh chóng cải thiện các triệu chứng trầm cảm ở chuột.

Bên cạnh đó, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Tâm thần năm 2017 cho thấy Acetyl-L-Carnitine có thể tốt hơn so với các giả dược trong điều trị trầm cảm và có hiệu quả như thuốc chống trầm cảm thông thường nhưng ít tác dụng phụ hơn.

Ngoài ra, LAC còn được sử dụng cho chứng mất trí và làm dịu những cơn đau dây thần kinh.

LAC có tiềm năng đánh dấu bước đi lớn của y học. Nó có thể được sử dụng để sàng lọc và chẩn đoán trầm cảm nặng, giúp phát hiện sớm bệnh trầm cảm để điều trị sớm hơn.

Các nhà nghiên cứu hy vọng các nghiên cứu trong tương lai có thể làm sáng tỏ những hoạt động thể chất, thói quen ăn kiêng và giấc ngủ có thể ảnh hưởng đến mức độ LAC trong máu hay không để đi đến kết luận chính xác nhất về nghiên cứu trên.

Theo VTC.VN