Khoa học & Công nghệ

Xây dựng VUSTA là tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh

  • Tác giả : Tuyết Vân
Ngày 15/9 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức Hội nghị “Đội ngũ trí thức Khoa học và Công nghệ Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng” tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (Ba Đình, Hà Nội). Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ tham dự, chủ trì và có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo Hội nghị.
hoi-nghi-doi-ngu-tri-thuc-khcn-viet-nam-trien-khai-thuc-hien-nghi-quyet-dai-hoi-lan-thu-xiii-cua-dang-live-hinh-2.jpeg
TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA phát biểu tại hội nghị.

Đến dự Hội nghị còn có: Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng tham dự Hội nghị gồm: Đồng chí Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Đồng chí Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Đồng chí Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam; Đồng chí Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Tham dự Hội nghị tại các điểm cầu địa phương: Đồng chí Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên; Đồng chí Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh; Đồng chí Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp; Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương; Đồng chí Phạm Gia Túc, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định; Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Đồng chí Điểu K’Ré, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đăk Nông; Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

Về phía VUSTA có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo: Đồng chí Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch VUSTA; Đồng chí Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch VUSTA và các nguyên Phó Chủ tịch VUSTA gồm: Đồng chí Nguyễn Hữu Tăng; Đồng chí Phan Tùng Mậu; Đồng chí Phạm Văn Tân; Đồng chí Nghiêm Vũ Khải.

Hội nghị còn có 140 đại biểu tham dự trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội và khoảng 2.000 đại biểu tham gia trực tuyến qua điểm cầu tại 62 Văn phòng UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

hoi-nghi-lhh-1.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị toàn quốc "Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng".

Đội ngũ trí thức phát huy tốt vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội

Phát biểu khai mạc hội nghị, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA khẳng định, VUSTA rất vinh dự và tự hào với vai trò tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức cách mạng vì sự nghiệp của đất nước. Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị đã khẳng định “Liên hiệp Hội Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội, có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”.

Là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, VUSTA đã tập hợp được đông đảo đội ngũ trí thức KH&CN trong và ngoài nước vì sự nghiệp của Đảng và đất nước: từ 1,8 triệu trí thức năm 2015 đã tập hợp được trên 2,2 triệu trí thức vào 2020, tăng 22,2%, chiếm 32,5% đội ngũ trí thức cả nước, đã có 153 hội thành viên gồm 63 Liên hiệp Hội địa phương và 90 Hội ngành toàn quốc, 596 tổ chức KH&CN trực thuộc. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Là một bộ phận trong lực lượng cách mạng, tri thức có nhiệm vụ thi đua phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân”, đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam luôn mang trên mình nhiệt huyết cách mạng, khát vọng vươn lên, đưa KH&CN trở thành động lực, là quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước; phát triển đất nước phải dựa và bằng KH&CN.

Thay mặt đội ngũ trí thức, tại hội nghị, PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch VUSTA đã có báo cáo kết quả nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong hệ thống VUSTA. 5 năm qua, các hội thành viên và tổ chức trực thuộc VUSTA đã thực hiện thành công 38 nhiệm vụ cấp quốc gia, 300 cấp bộ/tỉnh và 2.000 cấp cơ sở trên cơ sở xã hội hóa một cách mạnh mẽ theo chủ trương của Đảng và Chính phủ. Đã có 7.677 công trình, giải pháp kỹ thuật với 1.490 công trình đạt giải; tham gia triển lãm sáng tạo KH&CN ở các nước như Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan... để giới thiệu, thương mại hóa các sản phẩm KH&CN, nhiều sản phẩm đã được giải khu vực và quốc tế. Những thành tựu đó đã khẳng định VUSTA là tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam.

11 tham luận tại hội nghị đến từ các tổ chức xã hội khoa học cũng cho thấy phong trào sáng tạo mạnh mẽ của giới trí thức KH&CN trong cả nước...

Thủ tướng tham quan trưng bày thành tựu Khoa học và Công nghệ

Bên lề hội nghị trực tuyến "Đội ngũ trí thức Khoa học và Công nghệ Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng", Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham quan Triển lãm thành tựu KH&CN. Triển lãm tập trung trưng bày kết quả hoạt động nổi bật cũng như đánh giá vai trò của VUSTA và đội ngũ trí thức KH&CN giai đoạn 2015 - 2020, tuyên truyền định hướng các hoạt động cốt lõi nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội VIII của VUSTA trong thời gian tới.

hoi-nghi-lhh-8.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan các gian hàng triễn lãm thành tựu khoa học và công nghệ Việt Nam.

Đưa KH&CN trở thành động lực phát triển

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiệt liệt biểu dương những đóng góp, cống hiến to lớn của đội ngũ trí thức KH&CN, của nhiều thế hệ các nhà khoa học nước nhà, của VUSTA.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ sẽ xây dựng chương trình hành động phát triển về KH&CN.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ sẽ xây dựng chương trình hành động phát triển về KH&CN.

Thủ tướng khẳng định: Xuyên suốt chiều dài lịch sử, cha ông ta luôn quý trọng hiền tài, coi hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu. Ngay từ khi mới thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã nói: “Nước nhà cần phải kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài”. Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến sự phát triển KH&CN và đội ngũ trí thức trong tất cả các lĩnh vực.

Người đứng đầu Chính phủ ghi nhận, thời gian qua, VUSTA đã phát huy tối đa vai trò là hạt nhân tập hợp, đoàn kết, phát huy sức sáng tạo. VUSTA là một trong những cái nôi ươm mầm KH&CN hiệu quả, môi trường thuận lợi để tập hợp đội ngũ trí thức KH&CN trong và ngoài nước, phát huy tinh thần yêu nước, trách nhiệm công dân của đội ngũ trí thức, là nơi để các trí thức KH&CN thể hiện trí tuệ, sức sáng tạo và có những đóng góp tích cực cho đất nước. Đội ngũ trí thức Việt Nam nói chung và trí thức KH&CN nói riêng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, KH&CN nước ta vẫn còn những hạn chế. Đội ngũ trí thức KH&CN chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình, chưa đáp ứng được những mong muốn và sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Số cán bộ KH&CN tuy gia tăng về số lượng nhưng thiếu các chuyên gia giỏi đầu ngành trong nhiều lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực mũi nhọn. Chưa tạo được phong trào đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, KH&CN chưa thực sự gắn chặt với thị trường. Các công trình nghiên cứu tầm cỡ quốc tế, có đóng góp đột phá đối với phát triển kinh tế - xã hội còn ít.

Trong 10 năm qua, số lượng công trình khoa học của Việt Nam được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín đã có tăng nhưng còn hạn chế... Việc tham gia tổng kết thực tiễn, những cách làm hay, sáng tạo, có tính đột phá còn hạn chế. Không ít công trình, đề tài, dự án các nhà khoa học phải mất nhiều thời gian để hoàn thiện chứng từ, thủ tục thanh, quyết toán, thậm chí phải dùng nhiều biện pháp hành chính, kỹ thuật... Hệ thống tổ chức, bộ máy của VUSTA còn một số bất cập; nội dung, phương thức hoạt động chưa có nhiều đổi mới, chưa tạo được môi trường thuận lợi để khuyến khích, truyền cảm hứng cho đội ngũ trí thức tích cực đổi mới, sáng tạo và có nhiều đóng góp vào những vấn đề lớn của đất nước.

Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển KH&CN trong mọi mặt của đời sống đất nước. Thủ tướng đánh giá, Hội nghị đã tập trung vào những nội dung chính để giải quyết mong muốn và khát vọng đóng góp của các nhà khoa học, đội ngũ trí thức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các nhà khoa học cũng muốn biết cụ thể Chính phủ muốn gì từ các nhà khoa học để mỗi chúng ta cùng đóng góp xây dựng đất nước ngày càng phát triển hơn.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đảng ta xác định quan điểm phát triển đất nước “phải bằng và dựa vào KH&CN”, “phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”. Đại hội XIII của Đảng xác định 6 trọng tâm, 3 đột phá chiến lược và 12 nhiệm vụ chủ yếu, đòi hỏi chúng ta phải có nhận thức mới, tư duy khoa học mới gắn với những giải pháp thiết thực, hiệu quả để đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn đời sống, nhất là đưa KH&CN trở thành động lực phát triển, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, Thủ tướng nêu rõ.

Lấy nhiều ví dụ về các vấn đề khoa học đặt ra từ thực tiễn phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, toàn diện, xuất phát từ thực tiễn để có các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu kép. Nhiều nhà khoa học đã rất tâm huyết, trách nhiệm góp ý với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ứng phó với dịch bệnh và khôi phục nền kinh tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lắng nghe, ghi nhận và rất trân trọng các ý kiến này.

Ông cũng cho rằng, việc triển khai nhiệm vụ này phải dựa trên căn cứ khoa học, nhưng việc chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống dịch tới cấp cơ sở, tới người dân phải rất giản dị, dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện... Thủ tướng đề nghị các nhà khoa học phát huy hơn nữa vai trò và uy tín của mình trong hỗ trợ công tác thông tin, truyền thông để phổ biến rộng rãi, giải thích rõ ràng với nhân dân về khía cạnh, góc nhìn khoa học của những biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ. Làm sao để dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm có hiệu quả cùng với hệ thống chính trị của chúng ta.

hoi-nghi-lhh-3.jpg
Toàn cảnh Hội nghị.

Lắng nghe ý kiến trái chiều của các nhà khoa học

Thủ tướng gợi mở một số đề tài, nội dung lớn mà các nhà khoa học, các trí thức cần tập trung nghiên cứu thời gian tới, như tiếp tục tổng kết thực tiễn, bổ sung, hoàn thiện lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam, việc xây dựng nền dân chủ XHCN, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN; vấn đề chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số...; các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, già hóa dân số...; các vấn đề cấp bách, bất ngờ như Covid-19 (nghiên cứu văcxin, thuốc điều trị, phát triển công nghiệp dược)...

Nhấn mạnh yêu cầu tập trung nghiên cứu để giải quyết các vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra, mà đất nước đang cần, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, chiến lược phát triển KH&CN, đi cùng với cơ chế, chính sách và sự đầu tư để khuyến khích, tạo môi trường cho các nhà khoa học cống hiến... Cùng với đó, tăng cường hợp tác công – tư cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới, sáng tạo, lấy nguồn lực nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực ngoài nhà nước... Thủ tướng nhấn mạnh, “trong văn hóa có khoa học, trong khoa học có văn hóa” và truyền thống lịch sử - văn hóa của dân tộc cũng là một nguồn lực phát triển cần được phát huy mạnh mẽ hơn nữa.

“Tôi cũng muốn đặt hàng các đồng chí về đề tài này để là nguồn tài liệu quý giá Chính phủ nghiên cứu và hoàn thiện chính sách, tổ chức bộ máy, con người...”, Thủ tướng chia sẻ và yêu cầu các địa phương cũng phải quan tâm hơn nữa tới phát triển KH&CN, cầu thị lắng nghe các ý kiến phản biện của các nhà khoa học, kể cả ý kiến trái chiều.

Kết thúc Hội nghị, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA thay mặt đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam ghi nhận và tiếp thu ý kiến chỉ đạo sâu sắc của Thủ tướng Chính phủ. Đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam xác định rõ hơn trách nhiệm của mình để đáp lại sự tin tưởng, kỳ vọng của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam sẽ cùng với cấp ủy của các cấp, các ngành triển khai mạnh mẽ thực hiện 6 nhiệm vụ và 3 đột phá chiến lược mà Đại hội XIII đề ra với những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo. Đặc biệt, VUSTA sẽ tiếp tục xây dựng vị trí, vai trò, tầm quan trọng và sứ mệnh cao cả là tổ chức chính trị - xã hội đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo xây dựng và phát triển trong 38 năm qua.

Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến:

“VUSTA - Một tổ chức thành viên tích cực và có trách nhiệm của MTTQVN”

ong-do-van-chien.jpg
Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (bên trái ảnh).

Trong 5 năm qua, VUSTA luôn là thành viên tích cực, cùng tham gia với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đánh giá và lựa chọn 365 công trình khoa học tiêu biểu, xuất sắc tham gia Lễ công bố Sách vàng sáng tạo Việt Nam hằng năm do MTTQVN chủ trì.

Trong giám sát và phản biện xã hội, VUSTA với vai trò thành viên tích cực của MTTQVN đã cử các chuyên gia, các nhà khoa học tham gia đóng góp ý kiến tại nhiều Hội nghị phản biện quan trọng do MTTQVN chủ trì; tham gia ký kết một số chương trình phối hợp giám sát do Ủy ban T.Ư MTTQVN chủ trì. Nhiều hội thành viên của VUSTA tham gia chủ trì hoặc là đơn vị nòng cốt trong các đoàn giám sát của MTTQVN.

Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ VIFOTEC Lê Xuân Thảo:

Hàng nghìn sáng kiến, sáng chế vào sản xuất và đời sống

hoi-nghi-lhh-5.jpg
TS.LS Lê Xuân Thảo, Ủy viên Đoàn Chủ tịch VUSTA, Phó Chủ tịch Thường trực Qũy VIFOTEC.

Đội ngũ trí thức KH&CN nước ta đã có nhiều đóng góp to lớn vào quá trình xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc được Đảng, Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao, trong đó có đóng góp quan trọng của trí thức KH&CN thuộc VUSTA - một tổ chức chính trị - xã hội với vai trò tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức KH&CN rộng lớn nhất Việt Nam.

Trải qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, dưới sự chỉ đạo của VUSTA, Quỹ VIFOTEC và các Liên hiệp hội địa phương, các Bộ, ngành đã tổ chức thành công 27 lần Giải thưởng sáng tạo KH&CN Việt Nam, 17 lần Hội thi sáng tạo kỹ thuật Toàn quốc, 17 lần Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc. Thông qua Giải thưởng, Hội thi và Cuộc thi VUSTA đã tạo ra một phong trào sáng tạo trong các viện nghiên cứu, trường Đại học, các doanh nghiệp, trong nhân dân và các cháu thiếu niên và nhi đồng trong cả nước; ứng dụng thành công và hiệu quả hàng nghìn sáng kiến, sáng chế vào sản xuất và đời sống, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng…

Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch VUSTA, GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí:

Chống dịch Covid-19 trước hết cần phải dựa vào khoa học

hoi-nghi-lhh-6.jpg
GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí - ĐBQH, Ủy viên Đoàn Chủ tịch VUSTA, Chủ tịch quỹ Huyết học và Truyền máu Việt Nam.

Covid-19 là một loại bệnh dịch do virus SARS-CoV-2. Vì vậy, cần phải có kiến thức về y khoa, có hiểu biết về công nghệ thì mới có thể biết được nguyên nhân, cách lây lan dịch bệnh, diễn biến bệnh, nguyên lý kháng nguyên kháng thể, các kỹ thuật xét nghiệm để phát hiện, thuốc men, liệu pháp, liệu trình... Từ đó mới có chiến lược chẩn đoán, điều trị, tiêm chủng văcxin, và từ đó mới để ra chiến lược đúng để cách ly, phong tỏa, dập dịch, phòng dịch đúng, hợp lý nhằm giảm bớt người bị nhiễm, người bị bệnh và người tử vong.

Chúng ta đã có những cuộc trao đổi mang tính chuyên môn sâu như gộp mẫu làm xét nghiệm PCR, sử dụng xét nghiệm gì, test kit gì để dùng làm chẩn đoán, thế nào là FO... thực sự hữu ích. Nay, cũng cần có thêm những cuộc thảo luận khoa học về các vấn đề như các loại văcxin, xét nghiệm kháng thể tự nhiễm, gộp mẫu để làm test nhanh, cách lấy bệnh phẩm chuẩn, công tác quản lý chất lượng xét nghiệm Covid-19, các vấn đề về công nghệ trong quản lý người nhiễm, người tiêm văcxin...

Tuyết Vân