NHÌN THẲNG

Xăng rởm khiến động cơ kích nổ

Theo chuyên gia, xăng A92 rởm được pha với tỷ lệ: 50% xăng A92 + 50% dung môi + bột tạo màu không chỉ gây kích nổ trong xi lanh mà còn làm tăng nguy cơ cháy nổ.

Hơn 2 triệu lít xăng rởm bơm cho khách hàng

Ngày 11/10, Phòng CSĐT Tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh Nghệ An, phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Nghệ An và Cục A71, Bộ Công an đã bắt quả tang Công ty TNHH Thanh Ngũ (xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, Nghệ An) đang cho đổ chất dung môi trong xe tẹc BKS: 37C – 7512 (do anh Ngô Quang Thúc) điều khiển vào bồn, tại điểm kinh doanh xăng dầu cho khách hàng.

Cảnh sát phát hiện thêm 2 lọ bột tạo màu, 2 bể chứa 10.000 lít xăng A92 khi kiểm tra công ty trên. Bà Vũ Thị Thanh chủ doanh nghiệp thừa nhận, xăng A92 bà bán ra được pha theo tỷ lệ: 50% xăng A92 + 50% dung môi + chất tạo màu.

Kiểm tra doanh nghiệp Kiên Lục cảnh sát phát hiện 2 bể chứa trên 10.000 lít xăng kém chất lượng; một lọ chứa chất bột tạo màu.

Theo lời của anh Trần Văn Tuấn – con trai ông Trần Văn Kiên chủ doanh nghiệp Kiên Lục, từ tháng 8/2017 đến nay, đã mua 320.000 lít dung môi với giá 10.600đ/lít. Trong đó, một nửa đã bán cho Công ty Thanh Ngũ, số còn lại, Tuấn đã chỉ đạo pha với xăng A92 với tỷ lệ: 80% xăng A92 + 20% dung môi + bột tạo màu. Từ tháng 8/2017 đến nay, doanh nghiệp Kiên Lục đã bán lên tới 2 triệu lít xăng bẩn cho khách hàng.

Xe ô tô chở dung môi để pha làm xăng rởm.

Theo PGS.TS Hoa Hữu Thu, Bộ môn Hóa học dầu mỏ, Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, với công thức trên đây là xăng rởm, không đúng tiêu chuẩn Việt Nam.

Xăng là hỗn hợp hydro carbon từ C5 – C9, không có dung môi mà chỉ có thể pha thêm một phần cấu tử để bắt cháy. Màu trong xăng được pha nhằm phân loại (trước đây) hoặc để đánh dấu hãng sản xuất.

Trong thuật ngữ khoa học, xăng pha dung môi được gọi là pha thêm cấu tử. Chất này có thể tan trong xăng nhưng cũng có thể không.

“Với người tinh mắt tinh mũi có thể phát hiện ra xăng rởm. Ví dụ như mùi xăng vốn là đặc trưng, nhưng khi pha thêm cấu tử sẽ không còn nguyên bản, nhất là pha đến 50%. Nhưng với người bình thường sẽ rất khó khăn. Do đó, cần kiểm tra xe hằng tháng là tốt nhất”.

PGS.TS Hoa Hữu Thu

Nguy hiểm cho cả người lẫn tài sản

Ở góc độ sử dụng, ThS Hoàng Ngọc Thuyết, Phó trưởng Bộ môn Động cơ đốt trong, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay, xăng pha với một số dung môi dẫn đến chỉ số octan bị suy giảm tùy theo số lượng dung môi.

Dung môi càng nhiều thì chỉ số octan càng giảm. Nếu chỉ số octan càng thấp nguy cơ sẽ làm gia tăng khả năng cháy kích nổ trong xi lanh động cơ.

Cụ thể, kích nổ là hiện tượng hòa khí cháy không đồng đều, có những vùng cháy sau với tốc độ cháy rất lớn, có thể tới 200m/giây. Hiện tượng này sinh ra nhiệt độ khá lớn làm nóng chảy bề mặt các chi tiết trong xi lanh. Hoặc, làm biến dạng, phá vỡ (nứt) một số chi tiết của động cơ. Nguy cơ đó dẫn đến động cơ sẽ bị hư hỏng hoặc tuổi thọ động cơ suy giảm đáng kể. Tức động cơ có thể dùng được 20 năm nhưng chỉ dùng được 1 năm. Có động cơ có thể hỏng ngay sau khi dùng xăng rởm.

Quá trình cháy kích nổ này sẽ làm cho nhiệt độ động cơ quá nóng đến mức gây cong vênh chi tiết. Và trong một số trường hợp, có các vật liệu dễ cháy, tiếp xúc hoặc gần với những chi tiết có nhiệt độ cao có thể dẫn đến cháy ô tô xe máy.

Những xe đời mới có tỉ số nén cao hơn xe đời cũ nên khả năng cháy kích nổ sẽ lớn hơn. Những động cơ có chỉ số nén càng cao thì nguy cơ cháy kích nổ càng lớn.

Xe đời mới dễ bị kích nổ khi dùng xăng rởm.

Bằng cảm quan không phát hiện ra xăng kém chất lượng, nếu ngửi càng độc hơn. Chỉ có thể phát hiện qua giám định trị số octan của xăng thông qua các thiết bị.

Xe bị hiện tượng kích nổ có thể dẫn đến công suất động cơ suy giảm. Như xe chạy không bốc, tốc độ động cơ khó điều khiển như tăng rồi sau đó giảm ga có hiện tượng rồ ga, tốc độ không giảm. Khi có hiện tượng trên, cần xả xăng để thay xăng mới.

Thu Hiền