Theo đó, xăng E5RON92 tăng 390 đồng/lít, lên mức 20.870 đồng/lít, xăng RON95-III tăng tăng 520 đồng/lít, lên 22.010 đồng/lít. Trước đó, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh từ 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm VAT) tăng lên mức 1.920,3732 đồng/kWh (tương ứng với mức 3%) kể từ ngày 4/5.
Đến ngày 1/7 lương cơ sở tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng, nhưng áp lực vật giá leo thang sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, khiến nhiều người lo âu.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng, việc xăng, điện tăng không phải cao, nhưng có những tiềm ẩn ở đầu vào. Điều dư luận quan tâm là quản lý giá thế nào? Thực tế có những thứ buộc phải tăng giá. Ví dụ, điện cấu thành sản phẩm, xăng ảnh hưởng sản phẩm thì hàng hóa phải tăng giá. Tuy nhiên, lẽ ra tăng một, lại tăng hai.
Hiện nay, Nhà nước quản lý hơn 10 mặt hàng thiết yếu. Như chợ, Nhà nước không quản lý giá, lại bán đến 80% hàng tươi sống. Trong khi đó, siêu thị nhiều mặt hàng cũng không quản như thịt lợn, giảm đến 40% thịt hơi, nhưng vẫn 215.000 đồng/kg. Chợ chỉ có 140.000 đồng là tăng giá quá mức.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, vấn đề thực thi, tổ chức thực hiện để quản lý giá khi mà các yếu tố đầu vào lên là hết sức quan trọng. Sự cần thiết hiện nay là hỗ trợ doanh nghiệp và đảm bảo đời sống nhân dân, trong đó có vấn đề về giá.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú |
Ông cho rằng, để quản lý vật giá, biện pháp lớn nhất là đảm bảo cung cầu hàng hóa, không để đứt gãy. Nếu cung không đủ, cầu sẽ đẩy giá tăng. Thứ hai là quản lý thị trường, kiểm soát thị trường, khi bán giá cao bất hợp lý phải kéo xuống. Đồng thời, cân đo đong đếm, gian lận thương mại, hàng rởm, hàng giả phải xử lý nghiêm. Biện pháp nữa là nâng cao chất lượng hàng hóa, hàng nào giá đó, mua rẻ nhưng mất an toàn cũng không thể chấp nhận. Bên cạnh đó, cần quan tâm mối liên kết giữa sản xuất và phân phối, phải lành mạnh, mở cửa đón hàng Việt vào siêu thị… Quan trọng hơn là hiệu lực quản lý nhà nước phải mạnh.