Sản phẩm mới

“Xài” AI tạo ảnh anime, nguy cơ bị đánh cắp thông tin cá nhân

  • Tác giả : Tuấn Huy
Chỉ cần vài thao tác đơn giản trên app, người dùng có một bức ảnh anime tuyệt đẹp như trong truyện tranh. Tuy nhiên, việc làm này cũng có thể tiềm ẩn những rủi ro liên quan đến quyền riêng tư và bảo mật của người sử dụng.

Gần đây, nhiều người dùng mạng xã hội hào hứng đăng tải ảnh được chỉnh sửa bằng trí tuệ nhân tạo (AI) trên tài khoản cá nhân lẫn các trang, hội nhóm. Các ứng dụng chỉnh sửa ảnh mang đến nhiều phong cách đa dạng như anime, người máy, 3D...

Đặc biệt từ giữa tháng 8/2023, ứng dụng Loopsie tích hợp khả năng biến ảnh chụp thành tranh vẽ theo phong cách hoạt hình Nhật Bản (anime) nổi lên, gây sốt mạng xã hội Việt Nam.

Tiềm ẩn nguy cơ lộ thông tin cá nhân

Chưa bao giờ tạo ảnh hoạt hình dễ đến vậy, chỉ cần tải ứng dụng có tên Loopsie trên App Store của iPhone, người dùng đã có loạt ảnh đẹp đăng tải lên trang cá nhân.

Với ứng dụng này, người dùng chỉ cần đưa ảnh chụp vào, sau đó ứng dụng nhận dạng và tái hiện thành tranh vẽ theo các phong cách khác nhau. Đa phần sẽ mang hơi hướng phong cách hoạt hình Nhật Bản.

Điểm nổi bật của ứng dụng là dù biến hóa theo phong cách hoạt hình nhưng nhiều chi tiết từ ảnh gốc vẫn được giữ lại, đủ để bạn nhân ra. Những khung cảnh thân quen, đặc trưng của Việt Nam như cánh đồng lúa, vùng thôn quê.. đi vào thế giới hoạt hình đã trở nên thơ mộng theo một cách khác.

Vì thế, cư dân mạng rất hào hứng "ra lệnh" cho AI, đưa ảnh chân dung, ảnh sinh hoạt của chính mình hay ảnh những khung cảnh vẫn quen thuộc, gắn bó với mình... cho Loopsie và hồi hộp chờ nhận kết quả để khoe với bạn bè.

Tuy nhiên, việc sử dụng ứng dụng này cũng tiềm ẩn những nguy cơ bảo mật không hề nhỏ.

Khi người dùng tải ảnh lên Loopsie, họ phải đồng ý với điều khoản sử dụng của nhà cung cấp dịch vụ. Nhà cung cấp có quyền sử dụng, sao chép, phân phối, hiển thị và sửa đổi các nội dung của người dùng. Hệ thống cũng yêu cầu quyền truy cập vào kho ảnh của người dùng, camera điện thoại và một số quyền khác như thông tin email, truy cập internet…

Việc "nạp" ảnh cá nhân cho AI sử dụng mà không rõ dữ liệu sẽ được lưu trữ hay sử dụng cho mục đích nào khác ngoài tái thiết tấm hình theo phong cách anime dường như ít người quan tâm đến. Với yêu cầu truy cập quyền riêng tư từ ứng dụng trên, hình ảnh sẽ được tải lên máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ nên sẽ có nguy cơ lộ dữ liệu và nếu kho ảnh rơi vào tay kẻ xấu, chúng có thể cho AI học, dùng deepfake để tạo ra ảnh và tạo video gây hiểu lầm về các nhân vật nổi tiếng, các sự kiện quan trọng. Cho nhiều mục đích khác nhau, thậm chí lừa đảo.

Ngoài ra, tải ảnh đã chụp lên máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ, do đó cũng tiềm ẩn nguy cơ lộ, lọt dữ liệu hoặc sử dụng cho các mục đích khác ngoài công bố của đơn vị phát hành mà người dùng không hay biết.

Ứng dụng Loopsie.

Ứng dụng Loopsie.

Bên cạnh đó, hiện Loopsie chỉ còn phiên bản dành cho iOS, phiên bản dành cho Android đã bị xóa khỏi kho ứng dụng Google Play mà không rõ lý do.

Lợi dụng "cơn sốt" Loopsie, tin tặc cũng có thể phát triển những ứng dụng mạo danh Loopsie, bên trong có chèn mã độc và phát tán ứng dụng giả mạo này lên internet, lừa nạn nhân tải về và cài đặt vào smartphone của họ. Khiến smartphone bị chiếm quyền điều khiển hoặc lấy cắp dữ liệu, thông tin riêng tư, thậm chí tài khoản ngân hàng… trên thiết bị.

Tìm file cài đặt ứng dụng Loopsie trên internet có thể vô tình rước nhầm mã độc về smartphone (Ảnh minh họa).

Tìm file cài đặt ứng dụng Loopsie trên internet có thể vô tình rước nhầm mã độc về smartphone (Ảnh minh họa).

Một rắc rối khác mà người dùng có thể gặp phải đó là vấn đề trả phí, Loopsie chỉ cho phép dùng miễn phí trong 3 ngày. Nếu muốn sử dụng tiếp, người dùng cần phải trả phí 199.000 đồng/tuần hoặc 1,35 triệu đồng/năm. Đây là mức giá không hề rẻ cho một ứng dụng xử lý ảnh trên di động.

Trong lần đầu sử dụng Loopsie, người dùng sẽ có tùy chọn bỏ qua bước mua bản quyền và dùng thử ứng dụng miễn phí. Tuy nhiên, nếu không lưu ý bước này và vô tình chọn mua bản quyền, người dùng sẽ bị mất phí bản quyền cho ứng dụng.

Đáng chú ý, Loopsie còn có tính năng tự động gia hạn bản quyền. Chẳng hạn, nếu người dùng đăng ký sử dụng phiên bản chuyên nghiệp của ứng dụng trong vòng một tuần, sau khi hết thời gian sử dụng, Loopsie sẽ tự động gia hạn thêm một tuần mà không cần hỏi ý kiến của người dùng. Điều này sẽ khiến Loopsie tự động trừ tiền trong tài khoản ngân hàng của người dùng, ngay cả khi họ không có ý định tiếp tục dùng ứng dụng này.

Cảnh giác những trào lưu mới trên mạng xã hội

Trước đó, một vài ứng dụng chỉnh sửa ảnh như Face Play (2022), Voilà AI Artist (2021), Face App (2020)… từng rất "hot trend" trên mạng xã hội. Trong đó, ứng dụng Face Play có khả năng xử lý cắt ghép video rất ấn tượng dù có mức phí cao ngất. Sau khi tải ứng dụng về, bất kỳ ai cũng có thể hóa thân thành các nhân vật cô gái Trung Hoa, hiệp khách giang hồ, các hotgirl sang chảnh, tài tử bên siêu xe hay hình tượng nữ yêu quái trong bộ phim nổi tiếng Tây Du Ký. Điều đáng lo ngại, để thực hiện các bước chỉnh sửa video trên, app Face Play đã yêu cầu người dùng phải cung cấp đầy đủ dữ liệu, truy cập camera để lấy hình ảnh cá nhân theo yêu cầu.

Hay vào năm 2020, ứng dụng Face App cũng tạo cơn sốt khi có các tính năng chỉnh sửa, bóp méo khuôn mặt để hoán đổi giới tính người dùng. Chưa hết, ứng dụng này còn chuẩn bị sẵn những phụ kiện như bộ tóc, râu ria... để người dùng có thể tự do trải nghiệm, cắt ghép vào hình ảnh. Với hơn 100 triệu lượt tải xuống, FaceApp cũng yêu cầu người dùng cho phép tự động khởi chạy, chạy nền, toàn quyền sử dụng Internet, truy cập bộ nhớ hình ảnh và truyền dữ liệu cá nhân của người dùng về máy chủ.

Điểm chung của những ứng dụng chỉnh ảnh trên là đều yêu cầu quyền truy cập vào kho ảnh của người dùng, camera điện thoại và một số quyền khác như thông tin email, truy cập Internet. Các dữ liệu này ngoài việc hỗ trợ tạo ảnh, video còn có thể được sử dụng cho việc quảng cáo, liên hệ với người dùng, phân tích ứng dụng, từ đó tiềm ẩn nguy cơ về dữ liệu cá nhân.

Trước những nguy cơ tiềm ẩn trên, Ông Nguyễn Thế Chiêu, chuyên gia công nghệ, CEO Webbi.asia, khuyến cáo, người dùng không nên cung cấp những hình ảnh nhạy cảm, riêng tư lên app vì sẽ có nguy cơ lộ dữ liệu. Trước khi cài đặt bất kỳ ứng dụng nào, người dùng phải xem xét đầy đủ các quyền mà ứng dụng muốn truy cập. Bên cạnh đó, việc kiểm soát các quyền truy cập của ứng dụng đến các thông tin cũng như chức năng có trên các thiết bị thông minh là rất quan trọng.

Theo ông Chiêu, việc thu thập thông tin cá nhân và hành vi sử dụng của người dùng vẫn đang tồn tại ở các ứng dụng chỉnh ảnh khác cũng như nhiều trò chơi, không riêng gì ứng dụng Loopsie. Chính ứng dụng Loopsie dù đang “hot” nhưng cũng đang gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng tại Việt Nam về việc bảo mật thông tin. Chính vì vậy, người dùng nên có chọn lọc sử dụng các ứng dụng uy tín, nhất là cần tỉnh táo trước khi nhấn vào nút "cho phép" truy cập dữ liệu cá nhân trên mọi ứng dụng.

Tuấn Huy