KINH TẾ

WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 xuống còn 2-2,5%

  • Tác giả : Trà My
Những diễn biến kinh tế thời gian qua đã hé lộ phần nào bức tranh toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam năm 2021.

GDP quý III/2021 giảm 6,17% so cùng kỳ năm 2020. Theo Tổng cục Thống kê đây là mức giảm mạnh nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP theo quý.

Giờ đây, mức tăng trưởng nền kinh tế phụ thuộc vào quá trình phục hồi trong quý IV/2021. Ngân hàng thế giới (WB) cho rằng, GDP năm 2021 của nước ta hiện được ước tính tăng trưởng với tốc độ từ 2,0% đến 2,5%. Con số này thấp hơn đáng kể so với dự báo 4,8% mà WB công bố thời điểm tháng 8/2021.

87% lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19, cùng làn sóng người lao động bỏ về quê những ngày qua đã khiến cho tình hình thị trường lao động xấu đi đáng kể. Nó thể hiện tác động kinh tế bất lợi của đợt cách ly xã hội kéo dài tại các trung tâm kinh tế lớn như TPHCM, Hải Dương, Hà Nội.

Số lượng ca nhiễm Covid-19 mới bắt đầu giảm, từ 11/10, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định bỏ chỉ thị 15,16 và 19. Hôm nay là ngày đầu tiên Hà Nội và một số địa phương bắt đầu trở lại “bình thường mới”. Điều này sẽ giúp chỉ số sản xuất công nghiệp và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bắt đầu hồi phục trở lại.

Trong 3 tháng liên tiếp, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đều tăng. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào tiềm năng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, WB cho rằng, Chính phủ Việt Nam đang cố gắng thực hiện các biện pháp để kiểm soát tình hình Covid-19, trở lại “bình thường mới”, phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhưng việc nối lại các hoạt động kinh tế sau giai đoạn cách ly xã hội kéo dài đang phải đối mặt với một số trở ngại. Rõ nhất là thiếu hụt lao động đang ồn ào những ngày qua.

Điều này khiến cho nhiều nhà máy sản xuất và doanh nghiệp đang lo ngại việc không thể trở lại hoạt động dù dịch bệnh đã được kiểm soát .

Chưa kể, mọi hoạt động bị đứt gãy nên nếu có lao động thì lại thiếu sản phẩm. Vì vậy, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu lúc này của Việt Nam là tháo gỡ những nút thắt về logistics, tiếp tục thực hiện xét nghiệm, tiêm chủng và khuyến khích dịch chuyển lao động.

WB cũng đưa ra lời khuyên, các cấp có thẩm quyền cũng áp dụng chính sách tài khóa mở rộng và sử dụng các công cụ tài khóa khác nhau trong khả năng để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. So với các nước trong khu vực, Việt Nam đang sử dụng các chính sách tài chính chưa cao, chưa hiệu quả.

Trong đó có giảm sự cứng nhắc về thủ tục trong thực hiện chi thường xuyên, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư công. Đến hết tháng 8/2018, Việt Nam mới giải ngân được gần 40% vốn đầu tư công, nhiều bộ ban ngành cũng có những văn bản gửi trả lại vốn ngân sách vay từ ODA.

Cùng với đó là mở rộng phạm vi đối tượng thụ hưởng chính sách đảm bảo xã hội đến các hộ gia đình, cũng như lao động chính thức và phi chính thức.

Trà My