Thời sự

VUSTA: Nâng cao năng lực tư vấn, phản biện và giám định xã hội

  • Tác giả : Hải Đăng - Thiên Bảo
Ngày 17/6, tại tỉnh Tây Ninh, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Liên hiệp Hội tỉnh Tây Ninh tổ chức hội thảo nâng cao năng lực tư vấn, phản biện và giám định xã hội nhằm thực hiện hiệu quả Kết luận số 93-KL/TW ngày 20/11/2020 của Ban Bí thư.

TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch VUSTA và Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Tây Ninh Phạm Hùng Thái chủ trì hội thảo.

Dự hội thảo, có đại diện lãnh đạo Liên hiệp Hội (LHH) của 12 địa phương khu vực phía Nam; các hội thành viên của LHH tỉnh Tây Ninh cùng đại diện các sở/ngành của tỉnh Tây Ninh.

anh-1.jpg
TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch VUSTA và Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Tây Ninh Phạm Hùng Thái chủ trì hội thảo.

Khai mạc hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA cho biết, mỗi năm, LHH Việt Nam đã triển khai khoảng 600 nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và góp phần nâng cao hiệu quả các dự án phát triển kinh tế, xã hội quan trọng của ngành, lĩnh vực và địa phương.

Tại Kết luận số 93-KL/TW ngày 20/11/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị khóa X cũng đã đánh giá “Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội có những đóng góp quan trọng, thiết thực vào việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chương trình, dự án phát triển kinh tế- xã hội của đất nước”.

Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, bất cập, tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 42 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó yêu cầu: “Khẩn trương thể chế hóa các chủ trương của Đảng về tổ chức và hoạt động của LHH Việt Nam. Xác định rõ, phân loại các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao; quy định việc đặt hàng của Đảng và Nhà nước đối với LHH Việt Nam trong nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội”. Bởi vậy, TSKH Phan Xuân Dũng đã đưa ra những vấn đề để các đại biểu tập trung thảo luận trong hội thảo nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội.

pho-bi-thu-tay-ninh.jpg
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Tây Ninh Phạm Hùng Thái phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Tây Ninh Phạm Hùng Thái đã thông tin nhanh một số kết quả nổi bật mà tỉnh Tây Ninh đạt được trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022.

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Tây Ninh cũng đánh giá cao vai trò tập hợp, đoàn kết, phát huy đội ngũ trí thức của LHH tỉnh, đặc biệt là việc tham gia góp ý, tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các dự thảo luật, nghị định, đề án, kế hoạch của Trung ương, cung cấp nhiều luận cứ khoa học cho việc hoạch định những chủ trương lớn, quan trọng, những vấn đề mới trong các nghị quyết chuyên đề, chỉ thị, đề án, chính sách của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh ban hành cho nhiệm kỳ 2020 - 2025, góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 đạt được nhiều kết quả quan trọng, tích cực, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

anh-3.jpg
GS.TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch LHH TPHCM trình bày tham luận tại hội thảo.

Nhận xét, đánh giá về kết quả tư vấn, phản biện và giám định xã hội của LHH kể từ khi có Kết luận số 93-KL/TW, các tham luận từ đại diện LHH các địa phương cho thấy, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội tiếp tục nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cấp ủy và chính quyền địa phương trong việc tạo các điều kiện thuận lợi để hoạt động như: Cơ sở pháp lý, kinh phí, định hướng hoạt động, đặt hàng đối với LHH và các hội thành viên.

Tuy nhiên, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội cũng có nhiều khó khăn, vướng mắc: Mặc dù Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã quy định khá rõ những Đề án cần được tư vấn, phản biện và giám định xã hội của LHH Việt Nam và các hội thành viên, quy định việc đặt hàng của Đảng và Nhà nước đối với LHH Việt Nam, nhưng trên thực tế, chưa có quy định pháp luật bắt buộc phải có tư vấn, phản biện và giám định xã hội, chưa có chế tài đối với các đề án, dự án không sử dụng tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Do vậy, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội chưa thực sự được coi trọng.

Do nhận thức của các cấp về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội chưa đúng, nên nhiều cơ quan còn né tránh tư vấn, phản biện và giám định xã hội dẫn đến hiện tượng nhiều dự thảo chương trình, dự án, đề án được các cơ quan soạn thảo lấy ý kiến trong thời gian rất ngắn, hoặc tài liệu gửi lấy ý kiến không đầy đủ, do đó LHH và các hội thành viên không có đủ thời gian và thông tin, số liệu, dữ liệu để đóng góp ý kiến và tư vấn phản biện một cách hiệu quả.

Lực lượng trí thức tham gia hoạt động hội đông nhưng lực lượng chuyên gia tham gia vào hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội còn mỏng, chủ yếu là các chuyên gia, các nhà khoa học lớn tuổi. Khả năng nghiên cứu, cập nhật các vấn đề mới bị hạn chế, nhất là trong thời kỳ cách mạng 4.0. Một số nhà khoa học còn tâm lý e ngại khi nêu ý kiến trái chiều. Do vậy, về lâu dài, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội cũng sẽ gặp những khó khăn nhất định. Một số LHH và các hội thành viên chưa chủ động trong việc lập kế hoạch và huy động nguồn lực triển khai hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội mà vẫn chờ đặt hàng từ các cơ quan Đảng và Nhà nước. Cơ chế tài chính đối với hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội chưa phù hợp; Định mức chi đối với hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội còn thấp và còn nhiều bất cập, nhất là định mức chi cho chuyên gia rất thấp, do đó khó có thể tổ chức được các hoạt động chất lượng thực sự tốt.

anh-4.jpg
Bà Lê Tuyết Hồng, Phó Chủ tịch LHH tỉnh Trà Vinh trình bày tham luận tại hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong thời gian tới nhằm thực hiện hiệu quả Kết luận 93-KL/TW. Cụ thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản của các cơ quan Đảng và Nhà nước về tư vấn, phản biện và giám định xã hội, tạo sự thống nhất cao về sự cần thiết cần có tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các chương trình, đề án, dự án quan trọng trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Cần chủ động xây dựng kế hoạch tư vấn, phản biện và giám định xã hội bám sát vào kế hoạch hoạt động của Quốc hội, các Ban, Bộ ngành ở Trung ương, kế hoạch hoạt động của các cấp, ngành ở địa phương; Tích cực đề xuất với các cơ quan Đảng và Nhà nước các nhiệm vụ quan trọng của quốc gia, ngành, lĩnh vực và địa phương cần có sự tham gia phản biện của LHH và các hội khoa học kỹ thuật; Thường xuyên có các hội nghị, hội thảo chia sẻ thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án quan trọng của đất nước, ngành, lĩnh vực, địa phương, qua đó có thể gợi mở những vấn đề cần tư vấn, phản biện và giám định xã hội; Chủ động và tích cực huy động các nguồn lực để thực hiện tốt chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội, trong đó có nguồn lực tài chính, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia, thông tin, số liệu, tài liệu tham khảo phục vụ các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội...

Hải Đăng - Thiên Bảo