Thực tiễn cho thấy nhiều trường hợp cha mẹ bị xử lý hình sự, những đứa con bị kỳ thị, bị phân biệt đối xử, trở thành những nạn nhân trong các vụ bạo lực học đường.
Thông tin mới nhất vụ 3 con gái mua xăng đốt nhà mẹ đẻ, theo Viện Bỏng Quốc gia - nơi 4 bệnh nhân vụ việc trên đang điều trị, hiện 3 nạn nhân đang trong tình trạng xấu: Người mẹ bị bỏng trên 60%, 2 người con gái bị bỏng trên 30%, con gái còn lại bị bỏng 5%.
Anh Nguyễn Văn T. (36 tuổi, chồng chị Đỗ Thị Điểm – người được cho là đã đổ xăng đốt nhà mẹ đẻ) vừa có chia sẻ mong dư luận thông cảm cho hành động của vợ mình. Đồng thời cho biết, khi dư luận nặng nề về sự việc khiến gia đình thêm mệt mỏi. “Khổ tâm nhất là những đứa trẻ. Hành vi của người lớn nhưng sợ sau này các con bị người đời chỉ trích. Người lớn làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, tôi chỉ mong người đời đừng nói ra nói vào làm tổn thương các cháu thôi", anh T tâm sự.
|
Ngôi nhà nơi xảy ra vụ việc. |
Lo lắng của anh T cũng là tâm sự của nhiều gia đình khi người thân vi phạm pháp luật, những đứa trẻ thường bị ảnh hưởng tâm lý rất nặng nề.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, xét dưới góc độ pháp lý, ai thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, người đó phải chịu trách nhiệm, con cái không phải gánh chịu hậu quả.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy rất nhiều trường hợp cha mẹ bị xử lý hình sự khiến những đứa con bơ vơ, bị kỳ thị, bị phân biệt đối xử và trở thành những nạn nhân trong các vụ việc bạo lực học đường.
Theo luật sư Cường, ở Việt Nam "chủ nghĩa lý lịch" vẫn còn nặng nề. Nhiều người vẫn có suy nghĩ rằng những đứa trẻ sống trong gia đình có bố mẹ vi phạm pháp luật sẽ là những đứa trẻ hư, không ra gì! Rất nhiều bậc phụ huynh đã ngăn cản con cái mình khi biết con chơi thân thiết với các bạn mà có cha mẹ đi tù.
Một số người có suy nghĩ tiêu cực là đánh đồng trách nhiệm của cha mẹ với trách nhiệm của con cái trong trường hợp cha mẹ vi phạm pháp luật. Thực tế không ít trường hợp, khi gia đình có một người đi tù về, cả nhà đó bị làng xóm xa lánh, kỳ thị và đặc biệt là những đứa trẻ sẽ bị phân biệt đối xử. Đây là vấn đề đạo đức xã hội, là văn hóa giao tiếp ứng xử của nhiều người.
Từ đó, luật sư Cường cho rằng, với những đứa trẻ có cha mẹ đang bị xử lý hình sự thì những người thân trong gia đình, chính quyền địa phương, cơ quan đoàn thể cần phải có sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ, đặc biệt là hỗ trợ về mặt tâm lý. Với những trẻ em đang đi học, giáo viên phải nắm bắt tâm lý, kịp thời động viên và hỗ trợ các em vượt qua những biến cố trong gia đình.
Quá trình hành nghề luật sư, ông Cường đã gặp nhiều trường hợp đối tượng vi phạm pháp luật hình sự chỉ vì bị kỳ thị, bị nạn nhân nói rằng họ là "con thằng tù", con thằng nghiện"! Khi những đứa trẻ lớn lên trong cảnh người cha hoặc người mẹ đi cải tạo, cha mẹ nghiện ma túy hoặc gia đình bất hòa, khó khăn về kinh tế thì bản thân những đứa trẻ đó thường tự ti, thu mình và tủi thân về hoàn cảnh của mình.
Những đứa trẻ đó bị dồn nén về tâm lý, chịu đựng sự xa lánh, dè bỉu của xã hội nên rất dễ nổi cáu, có những phản ứng tự vệ thái quá. Bởi vậy, khi bị kỳ thị, phân biệt đối xử, bị trêu trọc, những đứa trẻ đó rất dễ mất kiểm soát cảm xúc dẫn đến thực hiện hành vi tấn công trở lại để tự vệ.
Bởi vậy, việc phân biệt đối xử, kỳ thị đối với những đứa trẻ có cha mẹ vi phạm pháp luật hình sự là rất đáng trách, đáng lên án, thậm chí đáng xấu hổ, thiếu văn minh, thiếu tình người.
Để giúp đỡ, chia sẻ, động viên trẻ em khi gia đình xảy ra những biến cố nghiêm trọng, rất cần có sự đồng cảm, chia sẻ của cộng đồng, có sự giúp đỡ của những người thân trong gia đình và chính quyền địa phương. Những hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử, bạo lực đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như vậy cần phải lên án và xử lý nghiêm minh bằng những chế tài của pháp luật.
Con gái đổ xăng đốt nhà mẹ đẻ rất hối hận
Anh Nguyễn Văn T. – chồng Đỗ Thị Điểm cho biết, nằm ở viện, vợ anh rất hối hận về chuyện đã làm. “Tôi mong dư luận và mọi người thông cảm cho vợ tôi. Vợ tôi không phải là người muốn giết mẹ mình…”, anh T nói.
Theo anh T, chị Điểm là người từng tốt nghiệp loại giỏi một trường đại học có danh tiếng ở Hà Nội, hiện có bằng kế toán trưởng và đang làm kế toán cho một công ty trên địa bàn tỉnh, hoàn cảnh không khó khăn.
Hai vợ chồng anh T đã ly thân 6 năm qua dù chưa ra tòa. Anh T luôn chăm lo, chu cấp cho 2 người con.
“Tại viện, cô ấy đã khóc lóc nói hối hận. Việc xảy ra tôi biết rằng cô ấy sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bên cạnh đó tội bất hiếu là tội lớn nhất của mỗi người con. Tuy nhiên, chúng tôi đã có khoảng thời gian 6 năm sống cùng nhau nên tôi biết tính của vợ mình không xấu nhưng tâm lý dễ bị kích động, khi ấy hành động sẽ mất kiểm soát. Nếu vợ tôi có dã tâm giết mẹ thì cô ây không nằm vào xăng dưới sàn nhà làm gì...", anh T cho biết.
Trước đó, do mâu thuẫn trong việc tranh chấp tài sản (chia quyền thừa kế đất), ngày 30/10, 3 con gái của bà Vũ Thị Đều (sinh năm 1961, ở thôn Thiên Lộc, xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) gồm: Đỗ Thị Định (sinh năm 1982); Đỗ Thị Điểm (sinh năm 1988) và Đỗ Thị Đưa (sinh năm 1990) mang theo 1 can xăng loại 10 lít đến nhà bà Đều rồi đổ xăng xuống nền nhà, châm lửa đốt. Hậu quả, bà Đều và 3 cô con gái bị thương phải đi cấp cứu.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bắt đối tượng phóng hỏa đốt nhà người yêu khiến 5 người nhập viện