Trong nước

Vụ gửi con chữa bệnh nhận về hũ tro: Có xét nghiệm được ADN?

  • Tác giả : PV
Vụ việc một gia đình vay 600 triệu đưa con đi chữa bệnh nhưng nhận lại hũ tro cốt đang được các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết. Hiện vấn đề được mọi người quan tâm là liệu xét nghiệm ADN tro cốt có xác định được danh tính?

Như KH&ĐS đã đưa tin, gia đình anh N.H.N (TP Huế) sau khi phát hiện con trai 3 tuổi có dấu hiệu chậm phát triển đã vay mượn 600 triệu đồng đưa ông L.M.Q. (trú tỉnh Lâm Đồng) để gửi vào cơ sở nuôi dạy và điều trị trẻ có dấu hiệu chậm phát triển, tự kỷ. Kết quả hơn 1 tháng sau, gia đình anh N. bất ngờ được ông Q. trao lại một hũ tro cốt và bảo bé trai đã tử vong do COVID-19.

Trước sự ra đi đột ngột của con, gia đình anh N. nhận thấy có những điều bất thường nên đã quyết định báo cơ quan CSĐT để làm rõ nguyên nhân cái chết và xác định tro cốt mà ông N.M.Q đưa cho vợ chồng anh N. có đúng là con của họ hay không.

Ngày 14/9, Chủ tịch UBND TP Huế (Thừa Thiên - Huế) Võ Lê Nhật cho biết ông đã yêu cầu lãnh đạo công an thành phố phối hợp với Công an tỉnh Lâm Đồng xác minh và xử lý vụ gửi con đi chữa bệnh chậm phát triển trí tuệ, nhận lại hũ tro cốt.

"Trong sự việc này, ông Q. (L.M.Q. - người nhận chữa bệnh cho cháu bé) giải thích không rõ ràng và có nhiều uẩn khúc", ông Nhật nói.

Sau khi thông tin sự việc được đăng tải rộng rãi, rất nhiều người vô cùng thương xót cho gia đình và cũng có không ít thắc mắc về việc liệu tro cốt có xét nghiệm ADN được không?

Anh N.H.N (TP Huế) lấy mẫu tóc của vợ để đưa cơ quan xét nghiệm danh tính cho con

Anh N.H.N (TP Huế) lấy mẫu tóc của vợ để đưa cơ quan xét nghiệm danh tính cho con

Theo các chuyên gia xét nghiệm phân tích, muốn hiểu rõ việc tro cốt có xét nghiệm ADN được không, chúng ta cần phải hiểu cách thức xét nghiệm ADN như thế nào.

Theo đó, xét nghiệm ADN là hình thức xét nghiệm sử dụng ADN trong các tế bào của cơ thể để xác định quan hệ huyết thống giữa hai cá thể. Bởi vì ADN của một người được thừa hưởng từ cả cha lẫn mẹ và quy định đặc điểm riêng biệt của từng cá thể. Đây chính là cách chính xác nhất để xác định quan hệ huyết thống.

Với mẫu ADN của bố mẹ và con khớp với nhau trong từng gen thì có tới 99,999% hai chủ nhân mẫu vật có quan hệ huyết thống. Trong khi đó, nếu hai mẫu ADN không khớp với nhau từ 2 gen trở lên thì hai mẫu này tuyệt đối không có quan hệ huyết thống.

Việc xét nghiệm ADN dựa trên các mẫu như mẫu máu, tế bào bên bên niêm mạc miệng, mẫu mô, móng tay, chân tóc, cuống rốn, xương, răng,... với độ chính xác không có nhiều khác biệt.

Xét nghiệm ADN có thể thực hiện ở mọi độ tuổi vì hệ gen của con người đã được hình thành ngay tại thời điểm thụ thai và thường không thay đổi, thậm chí có thể lấy mẫu vật từ trẻ chưa sinh như nước ối có chứa các tế bào của thai nhi.

Khi thi hài đã cháy thành tro thì việc xét nghiệm ADN gần như không thể - ảnh minh họa

Khi thi hài đã cháy thành tro thì việc xét nghiệm ADN gần như không thể - ảnh minh họa

Khi hỏa thiêu, thi hài cháy hết thì vật chất còn lại chỉ là carbon (tro cốt). Trong các lò hỏa táng, nhiệt độ hỏa thiêu trong khoảng từ 760℃ - 1000℃ và toàn bộ quá trình hỏa thiêu diễn ra trong 90-120 phút mới có thể biến thi hài thành tro cốt.

Việc hỏa thiêu sẽ phá hủy hoàn toàn tất cả các cơ quan, mô và chất béo, thi hài người chết lúc này đã biến thành tro, không ở dạng hữu cơ cũng như không còn tồn tại bất kì mẫu vật phẩm nào có chứa ADN để xác định huyết thống.

Tuy nhiên, nếu một số mô cứng còn sót lại như xương và răng, có thể sử dụng để phân tích ADN. Xương và răng của con người được cấu tạo chủ yếu từ canxi photphat và canxi cacbonat. Những khoáng chất này cung cấp sức mạnh và độ bền của chúng nên trong một số trường hợp thi hài được hỏa thiêu vẫn có thể còn sót lại mảnh xương và răng chưa cháy hết.

Nhưng khi xương qua hỏa táng đã thành tro và cháy thành bột trắng thì hiện nay không có cách nào để xét nghiệm ADN.

"Ở Việt Nam và trên thế giới hiện nay, dù với công nghệ nào thì việc xét nghiệm AND tro cốt là điều gần như không thể. Lý do là với nhiệt độ cao lên tới hàng ngàn độ C trong quá trình thiêu xác chết, những cấu trúc ADN nguyên vẹn cần cho việc xét nghiệm AND đã bị huỷ diệt. Việc giám định ADN chỉ có thể thực hiện được khi cấu trúc xương còn nguyên vẹn, không bị phá hủy bởi nhiệt độ hay môi trường." - Một chuyên gia đầu ngành về di truyền học cho biết.

PV