Thế giới

Vợ bị ngừng tim, chồng nhanh trí làm việc này cứu vợ thoát cửa tử

  • Tác giả : Theo Minh Hoa/ Người đưa tin
Người phụ nữ bị ngừng tim trong ít nhất 14 phút. Khi chồng cô tỉnh giấc, phát hiện vợ không thở, anh đã tiến hành cấp cứu.

Mới đây, Jenna Good, một giáo viên trung học 32 tuổi sống ở thị trấn Staines (Anh), đã chia sẻ lại thời khắc "ngàn cân treo sợi tóc" của cô cách đây 2 năm.

Sau khi tận hưởng Giáng sinh 2021 ở nhà với cậu con trai mới sinh, Jenna và chồng là Russ đi ngủ. Lúc đó, Jenna hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau, vào lúc 3h, Russ chợt tỉnh giấc và cảm thấy có điều gì đó bất thường. Vợ của anh đã tắt thở.

Anh Russ tỉnh giấc kịp thời để cứu vợ thoát cửa tử. Ảnh: The Sun

Jenna nhớ lại: “Chúng tôi đã ở bên nhau từ năm 15 tuổi nên rất hiểu nhau. Hẳn là giác quan thứ 6 đã đánh thức anh ấy. Russ lay tôi nhưng tôi không phản ứng. Khi thấy tim tôi đã ngừng đập, anh ấy bắt đầu hô hấp nhân tạo để giúp tôi thở lại”.

Lúc này, cậu con trai Charlie mới 3 tuần tuổi đang ngủ say trong phòng bên cạnh. Russ với tay lấy điện thoại gọi cấp cứu trong khi tiếp tục ấn ngực vợ. Anh cũng hét lên với hy vọng có thể đánh thức hàng xóm tới giúp đỡ. Anh biết không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục cố gắng cứu mạng vợ.

Khi bị ngừng tim đột ngột, bệnh nhân sẽ bất tỉnh, không phản ứng và ngừng thở. Nếu không được điều trị ngay lập tức, người bệnh có thể tử vong. Ở Anh, 90% số ca ngừng tim không được đưa vào bệnh viện sẽ tử vong, tương đương 30.000 người.

Russ nhớ lại: “Đó là 14 phút dài nhất trong cuộc đời tôi, chứng kiến Jenna co giật, ho ra máu. Tôi sốc nặng và thực sự nghĩ rằng mọi chuyện đã kết thúc”.

Theo The Sun, sau đó một đội cấp cứu đã có mặt đưa Jenna vào viện. Mặc dù Russ không thể khiến Jenna thở lại được nhưng anh đã giúp vợ bơm máu đi khắp cơ thể.

Các nhân viên y tế phải sử dụng máy khử rung tim hai lần để tim của Jenna hoạt động trở lại trước khi đưa cô vào xe cứu thương. Các bác sĩ tại Bệnh viện St Peter ở Chertsey nhận định Jenna sống sót được là điều kỳ diệu.

“Họ nói với chúng tôi rằng cơ hội sống sót sau khi tim ngừng đập trong 14 phút chỉ là 4%. Trường hợp không bị tổn thương não như tôi rất nhỏ. Tôi có thể đã nguy kịch nếu Russ tỉnh dậy muộn hơn vài phút, nếu anh ấy ngừng hô hấp nhân tạo sau 10 phút khi tưởng như tôi đã chết và nhân viên y tế vẫn chưa đến. Russ là người hùng cứu mạng tôi”, Jenna xúc động cho biết.

Các bất ổn tim có thể dẫn đến ngừng tim thường xảy ra không có nguyên nhân rõ ràng. Jenna trải qua tình trạng nhịp tim không đều trong nhiều năm và chính Russ là người nhận ra điều đó. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng vấn đề không quá trầm trọng, chưa cần dùng thuốc hay phương pháp điều trị nào cả. Ngoài ra, gia đình của Jenna không có tiền sử bệnh tim.

Hiện, sức khỏe của Jenna đã ổn định. Ảnh: The Sun

Jenna được chuyển đến Bệnh viện Harefield vào đêm giao thừa, gắn máy khử rung tim để theo dõi nhịp tim và khiến tim cô trở lại nhịp bình thường nếu cần. Sau 2 năm, hiện sức khỏe Jenna tạm ổn định.

Theo các bác sĩ, trường hợp nạn nhân bị ngừng tim, ngừng thở (hay còn gọi là ngừng tuần hoàn), trong điều kiện nhanh nhất có thể cần cung cấp được máu cùng với oxy đến cho tế bào não, nhất là trong vòng 5 phút đầu kể từ lúc ngừng tim.

Chính vì vậy, việc cấp cứu ngừng tim, ngừng thở cần tiến hành tại chỗ, khẩn trương, kiên trì và đúng kỹ thuật.

Nếu phát hiện người bệnh bất tỉnh, không thở… cần gọi cấp cứu ngay lập tức. Tuy nhiên, trong lúc chờ nhân viên y tế, người tiếp cận nạn nhân cần tiến hành ép tim theo đúng kỹ thuật để giúp nạn nhân hồi phục nhanh hơn, tránh nguy cơ tử vong.

Các bước tiến hành ép tim ngoài lồng ngực được tiến hành như sau:

- Người cấp cứu đặt người bệnh nằm ngửa trên một mặt phẳng cứng, nếu đang nằm sấp thì cẩn thận lật người bệnh lại. Nếu nghi ngờ người bệnh có chấn thương cột sống cổ, cố gắng lật cả người: đầu, cổ, thân, chân cùng lúc.

- Một bàn tay đặt lên chính giữa 1/2 dưới của xương ức bệnh nhân, bàn tay kia đặt lên trên bàn tay trước, các ngón tay xen kẽ và cùng chiều nhau, dùng lực của hai tay, vai và thân mình ép vuông góc xuống lồng ngực của bệnh nhân sao cho xương ức lún xuống từ 4 - 5 cm.

- Sau đó nhấc tay lên mà tiếp tục nhịp ép thứ hai, tốc độ ép tối ưu là 100 – 120 lần/phút. Với mỗi nhịp ép tim đúng kỹ thuật sẽ phải bắt được động mạch bẹn hoặc động mạch cảnh nảy.

- Ép tim như vậy có thể giúp làm tống máu lên vòng tuần hoàn nhờ có lực ép trực tiếp lên tim kết hợp với làm thay đổi áp lực trong lồng ngực.

Động tác này sẽ đưa máu từ thất phải lên trao đổi khí ở phổi, đưa máu từ thất trái lên tuần hoàn vành và tuần hoàn não, còn máu sẽ thụ động trở về nhĩ khi ngừng ép khiến tim giãn ra và áp lực trong lồng ngực giảm xuống.

Cùng với việc ép tim ngoài lồng ngực, người tiến hành cấp cứu nạn nhân cũng cần khai thông đường thở và thổi ngạt cho nạn nhân bằng cách:

- Kỹ thuật ấn trán - nâng cằm: dùng lòng bàn tay đặt lên trán và ấn ra sau làm ngửa đầu người bệnh, dùng tay còn lại nhấc hàm dưới lên đưa cằm ra trước.

- Kỹ thuật đẩy hàm dưới được sử dụng khi nghi ngờ có chấn thương cột sống cổ.

- Có thể thổi ngạt trực tiếp kiểu miệng-miệng, mặt nạ thổi ngạt. Khi thổi ngạt, người cấp cứu dùng miệng thổi khí vào phổi người bệnh qua màng lọc, mặt nạ hoặc trực tiếp, thổi chậm trong vòng 1 giây đủ để thấy lồng ngực nhô lên.

- Đầu tiên cần thổi 2 nhịp liên tiếp để đánh giá xem đường thở của người bệnh có thông suốt không, nếu không thấy lồng ngực nâng lên nhẹ nhàng thì cần mở miệng để phát hiện có dị vật hay không.

Hai động tác ép tim và thổi ngạt phải được thực hiện xen kẽ nhau một cách nhịp nhàng theo các chu kỳ hồi sinh tim phổi.

Tỉ lệ hồi sinh thành công giảm từ 7-10% sau mỗi phút. Tổn thương não sẽ không hồi phục sau 3-4 phút ngưng tuần hoàn mặc dù tim có thể còn tiếp tục đập sau 2- 3 giờ trong tình trạng thiếu oxy.

Theo Minh Hoa/ Người đưa tin