Khoa học & Công nghệ

Virus corona tồn tại lâu hơn vào mùa thu?

  • Tác giả : Hà Bình
(khoahocdoisong.vn) - Một nghiên cứu mới được các nhà khoa học tại Mỹ thực hiện đã cho thấy, virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại lâu hơn trên các bề mặt ngoài trời vào mùa thu. Liệu thời gian tới có các đợt dịch mới bùng phát?

Theo một nghiên cứu mới của Mỹ, virus SARS-CoV-2, trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm thấp vào mùa thu, virus có thể tồn tại trên áo khoác của một người leo núi khi ở ngoài trời trong khoảng 1 tuần và vẫn có thể lây nhiễm trong thời gian đó, trong khi vào mùa hè, quãng thời gian virus có thể tồn tại ước tính chỉ từ 1 - 3 ngày. 

PGS.TS Đinh Duy Kháng, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, đối với các chủng virus như SARS, MERS-CoV, nhiệt độ phát triển phù hợp nhất trên bề mặt môi trường là từ 4 - 20°C. Ở nhiệt độ này, virus sống nhiều ngày đến nhiều tuần. Khả năng gây bệnh giảm rõ rệt ở nhiệt độ 34 - 37°C ở độ ẩm từ 60 - 85% ở cả đường không khí và giọt bắn. 

Thế nhưng thực tế, virus corona vẫn phát triển lây lan nhanh trong mùa hè. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã khẳng định yếu tố tác động tới sự lây lan của Covid-19 không phải là điều kiện thời tiết nóng hay lạnh mà là việc tụ tập đông người, không tuân thủ các quy định giãn cách xã hội, và thiếu các biện pháp phòng ngừa bổ sung. Bằng chứng là tại các khu vực có nhiệt độ cao ở Mỹ và Brazil, đại dịch Covid-19 vẫn bùng phát.

Cũng theo PGS.TS Đinh Duy Kháng, mùa đông - xuân nền nhiệt lạnh, kèm theo mưa nhiều, thời tiết nồm và ẩm kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển. Một số loại bệnh do virus thường gặp vào thời điểm này như cúm mùa, cúm A/H1N1 và H5N1, sởi, thủy đậu, quai bị, rubella, tay chân miệng, viêm phổi…

Do vậy, chuẩn bị chuyển sang mùa thu – đông, người dân càng cần có ý thức phòng dịch tốt hơn. Không tụ tập và đến các điểm đông người, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với những người có triệu chứng về đường hô hấp như ho, khó thở, sốt, chảy nước mũi… Thực hiện giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ: như thường xuyên lau dọn, giữ cho không khí khô thoáng, sạch sẽ. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh. Luôn giữ ấm cơ thể khi đi ra ngoài khi thời tiết lạnh. Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, ăn nhiều hoa quả để nâng cao thể chất, phòng chống bệnh…

Hà Bình