KINH TẾ

Việt Nam xuất hiện 10 ổ dịch cúm A/H5N6, tiêu hủy hơn 4 vạn gia cầm

  • Tác giả : Đức Vinh
(khoahocdoisong.vn) - Thông tin từ Cục Thú y cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam xuất hiện 10 ổ dịch cúm A/H5N6, buộc tiêu hủy trên 43.200 con gia cầm tại 5 địa phương là Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An.

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết: Năm 2019, Việt Nam xuất hiện dịch cúm gia cầm tại 70 hộ chăn nuôi, 44 xã, 41 huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy 133.203 con gia cầm. Các ổ dịch xuất hiện trên gà chiếm 94%, vịt chiếm 5%, ngan chiếm 1%.

Từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước có 10 ổ dịch cúm gia cầm do chủng virus A/H5N6 gây ra, buộc phải tiêu hủy trên 43.200 con gia cầm tại Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An.

Theo ông Đông, hiện cả nước có 9 ổ dịch cúm A/H5N6 chưa qua 21 ngày. Trong đó có 2 ổ dịch tại xã Tân Khang và xã Tân Thọ thuộc huyện Nông Cống và 1 ổ dịch xã Quảng Trường thuộc huyện Quảng Xương của tỉnh Thanh Hóa. Tại Nghệ An vẫn còn 3 ổ dịch tại 3 xã: Quỳnh Hồng, Quỳnh Hậu và Quỳnh Bá thuộc huyện Quỳnh Lưu. Hà Nội vẫn còn một ổ dịch tại xã Phú Nghĩa thuộc huyện Chương Mỹ và 2 ổ dịch tại phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh và xã Việt Thống, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Theo Cục Thú y, từ đầu tháng 1/2020 đến nay, thế giới đã ghi nhận các ổ dịch bệnh cúm gia cầm tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ: Chủng virus cúm A/H5N1 tại Ấn Độ, A/H5N1 tại Trung Quốc; A/H5N6 tại Nigeria, Trung Quốc; A/H5N8 tại Séc, Đức, Hungary, Ba Lan, Rumania, Slovakia, Nam Phi. Tại Đài Loan cũng ghi nhận các ổ dịch cúm gia cầm A/H5N2 và A/H5N5. Do vậy, nguy cơ bệnh lây lan giữa các nước/khu vực rất cao.

Theo Cục Thú y, virus cúm A/H5N6 được phát hiện tại Việt Nam từ năm 2014. Hằng năm, chủng virus này vẫn gây ra các ổ dịch nhỏ lẻ trên gia cầm, được phát hiện và kiểm soát kịp thời. Hiện Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp người mắc bệnh do chủng virus cúm A/H5N6.

Cơ quan Thú y nhận định, với mật độ gia cầm lớn với tổng đàn 467 triệu con trên cả nước, trong điều kiện thời tiết bất lợi nguy cơ xuất hiện và lây lan dịch cúm gia cầm rất cao, đặc biệt có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, nhất trong điều kiện dịch viêm phổi cấm do chủng virus corona mới Covid-19 (nCoV) đang diễn biến phức tạp. Chưa kể, dù chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H7N9, tuy nhiên nguy cơ virus cúm A/H7N9 và một số chủng virus khác như A/H5N2, A/H5N8 xâm nhiễm là cao.

Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP tăng cường các biện pháp, chủ động phòng chống dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm và ở người, không để xảy ra dịch chồng dịch.

Đức Vinh