Thời sự

Việt Nam mất khoảng 10 tỷ USD mỗi năm vì ô nhiễm không khí

  • Tác giả : Hà Bình
(khoahocdoisong.vn) - Tọa đàm đối thoại chính sách với chủ đề Tổn thất kinh tế của Ô nhiễm không khí và các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm do Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐHKTQD) tổ chức đã diễn ra sáng 14/1 tại Hà Nội.

Tại tọa đàm, các chuyên gia chỉ ra rằng, ô nhiễm không khí đã và đang là mối quan ngại lớn với người dân khi các chỉ số chất lượng không khí liên tục trong nhiều ngày tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố lớn, các khu công nghiệp ở ngưỡng cao của thang cảnh báo. Theo một số nghiên cứu, trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam, có 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp và nguyên nhân đến từ ô nhiễm không khí và chất lượng không khí. Ô nhiễm không khí còn gây thiệt hại về kinh tế khoảng 10 tỷ USD mỗi năm tại Việt Nam (chiếm từ 5 - 7% GDP).

PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng ĐHKTQD cho rằng, hệ thống thể chế về môi trường không khí hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu khi thiếu các quy định đặc thù, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; tính hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật chưa cao và thiếu tính gắn kết. Mặc dù nhận thức được sự nghiêm trọng và đề xuất một số giải pháp để kiểm soát ô nhiễm không khí nhưng nhìn chung công tác quản lý ô nhiễm không khí vẫn còn bất cập và chưa được giải quyết triệt để.

Để cuộc chiến chống ô nhiễm không khí đạt được hiệu quả về kinh tế và xã hội, cần thực thi ngay một hệ thống các giải pháp đồng bộ và toàn diện, bao gồm các biện pháp cảnh báo, dự báo, khuyến cáo và thực thi các chính sách cắt giảm các hoạt động gây ô nhiễm không khí.  4 nguồn thu chính có thể sử dụng để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, đó là: thuế carbon; phí ô nhiễm môi trường; trái phiếu môi trường và hợp tác công tư (PPP) - trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường. Các khoản thu này cần được sử dụng để chi cho giám sát và hệ thống xử lý vi phạm; đầu tư cho năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; hỗ trợ đầu tư hạ tầng và tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh.

Đề xuất một số giải pháp tại toạ đàm, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, cần hoàn thiện thể chế, hệ thống chính sách pháp luật; Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quan trắc và kiểm kê nguồn thải, yêu cầu lắp đặt các hệ thống quan trắc trực tuyết, kết nối dữ liệu về sở, công khai thông tin quan trắc với bốn ngành nhiệt điện chạy than, sắt thép, xi măng, hóa chất...

Hà Bình