Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, định giá carbon đòi hỏi một cơ sở dữ liệu đầy đủ về phát thải khí nhà kính (KNK) và các vấn đề liên quan khác như tính minh bạch, chính xác của số liệu sản xuất, kinh doanh; kiểm kê KNK, đo đạc báo cáo thẩm định (MRV)... Đồng thời, cần có sự đánh giá toàn diện các khía cạnh về tác động kinh tế, xã hội cũng như sự đồng thuận của các bên liên quan.
Do vậy, để hình thành và phát triển thị trường carbon ở Việt Nam, một số nội dung ưu tiên cần tiếp tục được triển khai đồng bộ như xây dựng, ban hành hệ thống kiểm kê khí nhà kính, hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính và hệ thống MRV cấp quốc gia, ngành, tiểu ngành, cơ sở sản xuất một cách minh bạch, chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế; xác định lộ trình giảm phát thải khí nhà kính cho từng ngành, tiểu ngành; đánh giá, phân tích đầy đủ các tác động cũng như cơ hội đối với kinh tế, xã hội và môi trường khi áp dụng các công cụ định giá carbon như thuế carbon, hệ thống giao dịch phát thải, cơ chế tạo tín chỉ… từ đó lựa chọn công cụ định giá carbon phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam…
TS Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại buổi hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, TS Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu nhấn mạnh, Việt Nam sớm nhận thức được vai trò của các công cụ định giá carbon, nhằm thúc đẩy giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu. Do đó, Việt Nam đã tham gia Chương trình sẵn sàng tham gia thị trường carbon quốc tế từ năm 2012 và chủ động xây dựng dự án “Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường carbon tại Việt Nam” từ năm 2015.
Qua 5 năm chuẩn bị và thực hiện, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan, do vậy, đến thời điểm này dự án đã bước đầu hoàn thành các mục tiêu đề ra. Đây là bước đi quan trọng để Việt Nam hình thành và phát triển thị trường carbon trong tương lai.