Khoa học & Công nghệ

Việt Nam chính thức là nước đầu tiên sản xuất thương mại vắc xin Dịch tả lợn châu Phi

  • Tác giả : Vân Tuyết
Chiều 3-6, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức lễ công bố kết quả nghiên cứu, sản xuất thành công vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi (vắc xin thương mại NAVET-ASFVAC) do Công ty cổ phần Thuốc thú y trung ương Navetco sản xuất.
dich-ta-lon.jpg

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam đã chính thức sản xuất được vắc xin thương mại phòng bệnh tả lợn châu Phi, đáp ứng được các yêu cầu chuyên môn kỹ thuật, bảo đảm vô trùng, an toàn và hiệu lực, độ dài miễn dịch kéo dài 6 tháng. Từ đó, góp phần bảo vệ an toàn cho chăn nuôi, sản xuất lợn thịt. Việc sản xuất thành công vắc xin thương mại phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi là sự kiện lịch sử.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, sau một thời gian dài tập trung nghiên cứu, đến đầu tháng 11-2019, các nhà khoa học của Hoa Kỳ đã công bố nghiên cứu thành công chủng virus dịch tả lợn châu Phi nhược độc đã được cắt bỏ đoạn gen ASF-G-Delta I177L; đây là tiền đề rất quan trọng cho việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Đến nay, tại Việt Nam đã có 3 doanh nghiệp tiên phong, có đủ tiềm lực, đầu tư nghiêm túc để nghiên cứu, sản xuất thành công vắc xin DTLCP bao gồm Công ty cổ phần Thuốc thú y trung ương Navetco (Công ty Navetco), Công ty TNHH MTV AVAC, Công ty cổ phần tập đoàn Dabaco.

Ngay sau khi tiếp nhận chủng giống ASF-G-Delta I177L từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ vào tháng 9-2020, Công ty Navetco đã khẩn trương triển khai nghiên cứu, trải qua 5 lần thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Ngay trong tháng 11-2019, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã cử lãnh đạo Cục Thú y sang Hoa Kỳ dự họp, gặp trực tiếp với các chuyên gia Hoa Kỳ để bàn phối hợp nghiên cứu, sản xuất vắc xin dịch tả lợn châu Phi.

Kết quả 100% số lợn tiêm vắc xin được bảo hộ khi công cường độc trong phòng thí nghiệm. Trong điều kiện sản xuất đã bảo hộ được trên 80% số heo được tiêm vắc xin khi công cường độc với chủng virus gây bệnh DTLCP tại Việt Nam, độ dài miễn dịch của vắc xin kéo dài 6 tháng sau tiêm phòng.

Kết quả nghiên cứu, sản xuất vaccine NAVET-ASFVAC của Công ty Navetco sau khi được các nhà khoa học độc lập đánh giá rất kỹ lưỡng đã được chấp nhận công bố trên các Tạp chí khoa học uy tín của thế giới và Tạp chí Khoa học thú y của Việt Nam.

Ngày 17/5/2022, Viện nghiên cứu Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cũng đã có thư chính thức gửi Cục Thú y Việt Nam xác nhận vaccine NAVET-ASFVAC đảm bảo an toàn, hiệu lực.

Theo đó, vắc xin DTLCP AVAC ASF LIVE (Công TNHH MTV AVAC nghiên cứu) đạt tiêu chuẩn về vô trùng, an toàn và hiệu lực bảo hộ đạt trên 80% số heo thí nghiệm, độ dài miễn dịch của vắc xin kéo dài 4 tháng sau tiêm phòng đối với lợn thịt từ 4 tuần tuổi trở lên.

Từ tháng 3-2022 đến nay, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo tổ chức đánh giá sử dụng vắc xin DTLCP AVAC ASF LIVE trong điều kiện sản xuất, tại các trang trại chăn nuôi lợn có quy mô khác nhau.

Đối với Công ty Dabaco đã nghiên cứu, sản xuất được vắc xin DTLCP nhược độc đông khô, đã thử nghiệm vắc xin trên đàn lợn của tập đoàn. Kết quả cho thấy vắc xin đạt tiêu chuẩn về an toàn và hiệu lực bảo hộ trên 80% trên đàn lợn thí nghiệm. Đã sản xuất thành công vắc xin thương mại dạng đông khô DACOVAC-ASF2 và hiện nay đang được kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng, đăng ký lưu hành theo quy định.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị các doanh nghiệp sản xuất vắc xin cân bằng lợi nhuận, đưa ra mức giá bán hợp lý để người chăn nuôi có thể tiếp cận dễ dàng.

Ông Trần Xuân Hạnh, phó tổng giám đốc Công ty Navetco, cho biết trong giai đoạn 1, vắc xin do công ty sản xuất sẽ sử dụng ở diện hẹp với số lượng vắc xin dự kiến được phép sử dụng 600.000 liều.

Trong giai đoạn 2, sau khi có báo cáo đánh giá kết quả sử dụng vắc xin ở giai đoạn 1, Cục Thú y sẽ tham mưu Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo sử dụng vắc xin ở phạm vi toàn quốc.

Dự kiến sẽ lưu hành trên thị trường vào cuối tháng 8 và giá vắc xin DTLCP sẽ từ 34.000 - 36.000 đồng/liều.

Vân Tuyết