Gia đình mới

Viêm tuyến giáp sau sinh dễ nhiễm độc, suy giáp

  • Tác giả : BS CKI Đỗ Văn Quyền
Trong viêm tuyến giáp sau sinh, nhiễm độc giáp xảy ra đầu tiên sau đó là suy giáp. Hầu hết chức năng tuyến giáp bình thường trong vòng 12 – 18 tháng sau khi xuất hiện các triệu chứng. Khoảng 20% chuyển sang giai đoạn suy giáp...

Viêm tuyến giáp là thuật ngữ dùng chung chỉ “tình trạng viêm tuyến giáp”. Do đó viêm tuyến giáp sau sinh là tình trạng viêm tuyến giáp xảy ra ở phụ nữ sau sinh con.

Viêm tuyến giáp có thể gây ra tình trạng nhiễm độc giáp (nồng độ hormon cao trong máu) và suy giáp (nồng độ hormon giảm trong máu). Trong viêm tuyến giáp sau sinh, nhiễm độc giáp xảy ra đầu tiên sau đó là suy giáp.

Nguyên nhân viêm tuyến giáp sau sinh

Không biết được chính xác nguyên nhân nhưng nó được cho là một bệnh tự miễn giống với bệnh viêm tuyến giáp Haschimoto. Giống như bệnh viêm tuyến giáp Haschimoto viêm tuyến giáp sau sinh có liên quan đến sự hiện diện của các kháng thể kháng giáp (peroxidase kháng giáp, anti-thyroglobulin).

Phụ nữ có kháng thể kháng giáp dương tính có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp sau sinh cao hơn nhiều so với phụ nữ không có kháng thể kháng giáp.

Ai là người có nguy cơ mắc bệnh viêm tuyến giáp sau sinh?

Bất kỳ phụ nữ nào có các dấu hiệu sau:

- Rối loạn tự miễn dịch.

- Kháng thể kháng giáp dương tính

- Tiền sử rối loạn chức năng tuyến giáp trước đây.

- Tiền sử viêm tuyến giáp sau sinh trước đây (20% phụ nữ sẽ bị tái phát viêm tuyến giáp khi mang thai thêm).

- Tiền sử gia đình bị rối loạn chức năng tuyến giáp.

Viêm tuyến giáp sau sinh dễ nhiễm độc, suy giáp - Ảnh minh họa BSCC

Viêm tuyến giáp sau sinh dễ nhiễm độc, suy giáp - Ảnh minh họa BSCC

Cách chẩn đoán viêm tuyến giáp sau sinh là gì?

Viêm tuyến giáp sau sinh được mô tả bao gồm nhiễm độc giáp sau đó là suy giáp. Tuy nhiên không phải tất cả đều trải qua 2 giai đoạn, 1/3 số bệnh nhân sẽ biểu hiện cả hai, 1/3 số bệnh nhân chỉ bị nhiễm độc giáp hoặc chỉ có giai đoạn suy giáp.

Giai đoạn nhiễm độc giáp xảy ra 1 – 4 tháng sau sinh kéo dài trong 1 – 3 tháng. Các triệu chứng bao gồm: lo lắng, mất ngủ, đánh trống ngực, mệt mỏi, sụt cân và cáu kỉnh. Những triệu chứng này có thể bị nhầm do căng thẳng và những thay đổi sau sinh nên thường bị bỏ qua.

Phụ nữ xuất hiện suy giáp phổ biến hơn: xảy ra 4 – 8 tháng sau sinh và có thể kéo dài 9 – 12 tháng. Điển hình các triệu chứng: mệt mỏi, tăng cân, táo bón, da khô, trầm cảm và khả năng chịu tập thể dục kém.

Hầu hết chức năng tuyến giáp bình thường trong vòng 12 – 18 tháng sau khi xuất hiện các triệu chứng. Tuy nhiên khoảng 20% chuyển sang giai đoạn suy giáp và sẽ vẫn suy giáp.

Điều trị viêm giáp sau sinh như thế nào?

Tùy thuộc vào giai đoạn viêm tuyến giáp và mức độ triệu chứng của bệnh nhân. Nhiễm độc giáp có thể điều trị thuốc chẹn beta để giảm các triệu chứng đánh trống ngực và run.

Khi các triệu chứng cải thiện giảm bớt và ngừng vì giai đoạn nhiễm độc giáp chỉ thoáng qua. Thuốc kháng giáp không sử dụng vì tuyến giáp không hoạt động quá mức.

Giai đoạn suy giáp điều trị bằng hormon thay thế. Nếu suy giáp nhẹ, bệnh nhân có ít triệu chứng thì không cần điều trị. Nếu điều trị hormon thì điều trị trong khoảng 6 – 12 tháng và sau đó giảm và xem xét liệu có dùng hormon vĩnh viễn hay không?

BS CKI Đỗ Văn Quyền (Khoa phẫu thuật và điều trị theo yêu cầu C1, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)

BS CKI Đỗ Văn Quyền