Y học và đời sống

Viêm họng do sốt tinh hồng nhiệt dễ mất mạng

Bệnh sốt tinh hồng nhiệt là loại bệnh do liên cầu nhóm A gây ra. Bệnh thường xuất phát từ đau họng, nhiễm trùng da. Nếu không được điều trị kịp thời dễ dẫn tới biến chứng thấp tim, áp xe họng, viêm khớp, viêm tủy xương, viêm phổi, viêm cầu thận…
/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/sot-tinh-hong-nhiet1.jpg

Biểu hiện của sốt tinh hồng nhiệt trên cơ thể.

Mang vi khuẩn mà không có triệu chứng

BS Trần Thị Huyền, Bệnh viện Da liễu T.Ư, Bộ môn Da liễu, trường Đại học Y Hà Nội cảnh báo, người dân cần cẩn thận với sốt do viêm họng, nhiễm trùng da. Đây có thể là loại sốt tinh hồng nhiệt do vi khuẩn liên cầu nhóm A dễ lây nhiễm và gây những biến chứng nguy hiểm.

Bệnh đặc trưng bởi các chấm màu đỏ-hồng, bóng, bao phủ toàn bộ cơ thể ở những người trước đó có viêm họng hoặc bị chốc…Ở thế kỷ trước, khi kháng sinh chưa phát triển, bệnh dễ thành dịch lớn gây chết người.

Nhiễm khuẩn liên cầu nhóm A gây sốt tinh hồng nhiệt. Liên cầu có thể lây từ người này sang người khác qua các giọt nước bọt từ đường hô hấp, hoặc lây do tiếp xúc trực tiếp với thương tổn da, dùng chung quần áo, vật dụng nhiễm khuẩn. Nguồn bệnh có thể ở người mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện triệu chứng bệnh.

Có khoảng 15 – 20% trẻ em lứa tuổi đi học thuộc nhóm người lành mang vi khuẩn. Người mang vi khuẩn phải có cơ địa nhạy cảm với độc tố của liên cầu. Vì vậy, đôi khi trong gia đình có hai trẻ em cùng mang vi khuẩn nhưng chỉ có một trẻ tiến triển thành sốt tinh hồng nhiệt. Thời gian ủ bệnh khoảng 1 – 4 ngày.

Bệnh thường bắt đầu với dấu hiệu sốt đột ngột, đi kèm với đau họng, hạch vùng cổ sưng to, đau đầu, buồn nôn, nôn, ăn không ngon miệng, lưỡi sưng đỏ như quả dâu tây, đau bụng, đau mình mẩy, mệt mỏi. Ban tinh hồng nhiệt xuất hiện sau khi có dấu hiệu sốt 12 – 48 giờ, đầu tiên là ở vùng dưới tai, cổ, ngực, nách, háng, sau đó lan ra các vùng khác của cơ thể sau 24 giờ. Ban dạng cát thô, nhỏ, bóng, đồng đều, có nơi tập trung thành mảng.

Khi thương tổn da lan rộng, sờ vào da có cảm giác như sờ vào giấy nhám. Ở các nếp gấp của cơ thể, đặc biệt là ở nách và khuỷu, các mạch máu mỏng manh có thể vỡ, tạo thành các đường đỏ cổ điển gọi là đường Pastia, có thể tồn tại thêm 1 – 2 ngày sau khi ban đỏ lan tỏa đã biến mất.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/sot-tinh-hong-nhiet.1jpg.jpg

Biểu hiện sốt tinh hồng nhiệt trên lưỡi.

Những biến chứng chết người

BS Trần Thu Huyền cho biết, nếu bị đau họng hay nổi ban đỏ đi khám ngay phát hiện ra vi khuẩn này, điều trị kịp thời bằng kháng sinh, sốt sẽ hết trong 12 – 24 giờ. Nếu không được điều trị, đỉnh của sốt vào ngày thứ hai, sau đó từ từ về bình thường trong 5 – 7 ngày.

Sau 6 ngày, các ban đỏ bắt đầu mờ, bong da, giống như diễn biến của bỏng nắng. Ở các vùng như nách, háng, đầu ngón tay, ngón chân, da bong lâu hơn, thậm chí kéo dài tới 6 tuần. Khi xác định nguyên nhân là nhiễm khuẩn tụ cầu, cần sử dụng kháng sinh đủ liều và đủ thời gian. Các kháng sinh hàng đầu được sử dụng là penicillin, erythromycin. Thời gian điều trị là 10 ngày.

Ngoài ra, phải điều trị paracetamol nếu có sốt, đau đầu, đau họng; Dùng thuốc kháng histamin và dưỡng ẩm da để giảm ngứa. Sốt cải thiện trong 12 – 24 giờ sau khi bắt đầu dùng kháng sinh, hầu hết bệnh nhân hồi phục sau 4 – 5 ngày. Trong khi đó, các biểu hiện da có thể kéo dài trong vài tuần.

Nếu không được điều trị hoặc điều trị thất bại, các biến chứng sau có thể xảy ra sau sốt tinh hồng nhiệt, thậm chí có thể gây tử vong như: thấp tim (một căn bệnh có thể ảnh hưởng đến tim, khớp, da và cả não bộ), viêm tai giữa, nhiễm trùng da, xuất hiện ổ áp xe ở họng, viêm xương, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, viêm cầu thận, viêm tủy xương…

Theo BS Trần Thu Huyền, hiện chưa có văcxin phòng bệnh. Cách tốt nhất để phòng bệnh là rửa tay thường xuyên và không dùng chung dụng cụ ăn uống, khăn tắm hay đồ dùng cá nhân. Khi bị bệnh cần phải nghỉ ở nhà.

Thúy Nga