Trạm ép rác Bà Lài (phường 8, quận 6, TP HCM), sau khi ép rác chuyển về các bãi tập trung ở TP xử lý. |
Chưa được đưa vào danh mục “Quy hoạch Điện VIII”
Dù UBND TP HCM có nhiều văn bản trình các Bộ, ngành, đến nay, các dự án đốt rác phát điện tại TP HCM vẫn chưa khởi động được.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP HCM, trong năm 2023, đơn vị này đã chủ động tham mưu UBND TP HCM có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ thẩm định báo cáo khả thi dự án chuyển đổi công nghệ của Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa, trong khi chờ bổ sung dự án vào kế hoạch thực hiện “Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Đến nay, dự án chuyển đổi công nghệ của Công ty Vietstar đã được Bộ Xây dựng có ý kiến thẩm định, báo cáo khả thi. Hiện tại, công ty này thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng.
Còn dự án chuyển đổi công nghệ của Công ty Tâm Sinh Nghĩa chưa được Bộ Xây dựng cho ý kiến thẩm định, do còn vướng thủ tục điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án. Trước đó, ngày 6/3/2024, UBND TP HCM có công văn số 1071/UBND-DA về điều chỉnh tiến độ thực hiện Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa để tháo gỡ vướng mắc này.
Hai công ty nêu trên cam kết với Sở TN&MT TP HCM sẽ hoàn thành việc xây dựng nhà máy, lắp đặt thiết bị trong khoảng thời gian 18 tháng, để đáp ứng tiến độ hoàn thành nhà máy vào năm 2025.
Các dự án chuyển đổi công nghệ của đơn vị xử lý đang có hợp đồng cung ứng dịch vụ xử lý rác với TP HCM hiện ở thủ tục cấp quyết định định chủ trương đầu tư dự án. Mới đây, ngày 1/3/2024, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường họp với các sở ngành về tình hình thực hiện các dự án xử lý chất rắn sinh hoạt thu hồi năng lượng và đã có kết luận chỉ đạo cụ thể từng nội dung.
Cũng theo Sở TN&MT, khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với dự án đốt rác phát điện của TP HCM là chưa được đưa vào danh mục các dự án điện từ rác trong dự thảo kế hoạch thực hiện “Quy hoạch Điện VIII” của Bộ Công Thương. Điều này dẫn đến các dự án không đủ cơ sở pháp lý về nguồn điện (ảnh hưởng việc cấp giấy phép xây dựng của dự án).
Ngay khi phát hiện nội dung này trong quá trình rà soát dự thảo tờ trình của Bộ Công Thương ngày 26/1/2024, Sở TN&MT đã phối hợp Sở Công Thương tham mưu UBND TP HCM có văn bản tiếp tục kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, bổ sung các dự án đốt rác phát điện trên địa bàn TP HCM vào kế hoạch.
Mỗi ngày, các bãi xử lý rác thải sinh hoạt ở TP HCM tiếp nhận hàng chục nghìn tấn rác, rất cần phát triển nhà máy đốt rác phát điện. |
Giải pháp căn cơ
Về việc bảo vệ môi trường khi xây dựng nhà máy đốt rác phát điện và đưa vào vận hành, báo cáo tiền khả thi dự án cũng có dự án trồng cây xanh cách ly. Sở TN&MT đã tổng hợp, giải trình, cũng như cập nhật một số quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới vừa được ban hành (như QCVN 07:2023/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật ban hành tại Thông tư số 15/2023/TT-BXD ngày 29/12/2023) để trình thẩm định báo cáo tiền khả thi vào tháng 2/2024.
Trong quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, hiệu quả đầu tư dự án bao gồm tính khả thi trong giảm ô nhiễm môi trường sẽ được các sở, ngành, chuyên gia đánh giá, thẩm định cụ thể trước khi TP có quyết định đầu tư.
Tuy nhiên, thời gian qua, TP HCM gặp khó khăn do chưa có cơ sở xử lý rác mới, trong khi khối lượng rác có sự gia tăng nhanh trong giai đoạn trước dịch bệnh Covid-19. Việc xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện là giải pháp cơ bản để xử lý hiện trạng quá tải hiện nay.
Năm 2023, Bộ TN&MT tổ chức kiểm tra và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa. Hiện nay, Sở TN&MT phối hợp trong công tác kiểm tra các biện pháp khắc phục vi phạm của 2 công ty này.
Thông báo kết luận 187 của UBND TP HCM có gì?
Theo nội dung này, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường giao Sở Xây dựng xem xét đề nghị của Sở TN&MT tại công văn số 1628/STNMT-CTR ngày 27/2/2024; chủ động giải quyết theo thẩm quyền, đúng quy định việc cấp giấy phép xây dựng cho 2 dự án của 2 công ty nêu trên trong thời gian chờ Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai “Quy hoạch Điện VIII”. Trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc, vượt thẩm quyền; báo cáo, đề xuất xử lý, trình UBND TP, thời gian hoàn thành trong tháng 3/2024.
Giao Sở Công Thương tham mưu, đề xuất và dự thảo văn bản của UBND TP HCM kiến nghị Bộ Công Thương về hỗ trợ giải quyết thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực cho 2 dự án; trao đổi với Tổng Công ty Điện lực TPHCM để được hướng dẫn, thống nhất hướng xử lý công việc đầu phát điện cho 2 dự án vào lưới điện Quốc gia theo đúng quy định; thời gian thực hiện trước ngày 10/3/2024.
Trên cơ sở lấy ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng đối với 2 dự án, Sở TN&MT được giao chủ trì, phối hợp các sở ngành và đơn vị liên quan tiếp thu, hướng dẫn Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa hoàn thành thủ tục pháp lý liên quan theo quy định để đẩy nhanh việc xây dựng 2 nhà máy, sớm đưa vào vận hành theo đúng tiến độ và nội dung dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Đối với Văn phòng UBND TP, khẩn trương rà soát hồ sơ điều chỉnh tiến độ dự án Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa; tham mưu, trình Thường trực UBND TP xử lý theo đúng quy định trước ngày 5/3/2024.
Về các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt thu hồi năng lượng khác, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét kiến nghị của Sở TN&MT về chủ trương đầu tư dự án “Chuyển đổi công nghệ xử lý rác sinh hoạt từ chôn lấp hợp vệ sinh sang đốt phát điện tại bãi chôn lấp số 3 - giai đoạn 1 do Công ty TNHH Một thành viên Môi trường Đô thị TP đề xuất; tham mưu, đề xuất UBND TP HCM trong tháng 3/2024.
Sở TN&MT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các sở ngành liên quan tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị đang đề xuất thực hiện các dự án xử lý chất thải rắn thu hồi năng lượng.
Hoàn thiện các thủ tục pháp lý có liên quan để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo đúng chỉ đạo và kết luận của Ban cán sự Đảng UBND TPHCM về công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP và theo đúng quy định hiện hành.