Dữ liệu y khoa

Vì sao ở nhà hoàn toàn vẫn lây Covid-19?

  • Tác giả : TS.BS Trần Quốc Cường
Khi dịch bệnh bùng phát ở Mỹ, khảo sát của chính quyền TP New York cho thấy có một tỷ lệ nhất định người bệnh khai là họ ở nhà hoàn toàn, không sử dụng phương tiện giao thông công cộng, không đi làm, không phải nhân viên giao hàng, không phải nhân viên y tế mà vẫn bị nhiễm Covid-19...

Chưa nắm cơ chế lây

Khả năng đầu tiên là do chưa phòng được bệnh vì chưa nắm cơ chế lây. Virus này lây qua 3 cơ chế chính là giọt bắn, giọt hô hấp siêu nhỏ (aerosol) và tiếp xúc bề mặt. Giọt bắn là các giọt hô hấp có kích thước lớn nhỏ khác nhau với đường kính lớn hơn 5 micromet, một số có thể nhìn thấy được bằng mắt thường. Giọt bắn tạo ra do động tác ho và hắc hơi của người bệnh. Giọt bắn có xu hướng lây cho người đứng gần dưới 2m do các giọt này bám trực tiếp lên niêm mạc mắt, mũi, miệng. Tuy nhiên, các giọt bắn sẽ giảm nhanh về số lượng trong vòng vài phút do rớt xuống đất theo trọng lực (xem hình). Đối tượng thường bị lây khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh ở cự ly gần có ho hoặc hắt hơi. Để bảo vệ, sử dụng tấm chắn giọt bắn và khẩu trang.

o-nha-van-lay-nhiem-covid.jpg
Với không gian kín như trong phòng, virus thể lây ở cự ly xa hơn.

Giọt hô hấp siêu nhỏ hay còn gọi là hạt aerosol là các hạt có kích thước cực nhỏ, đường kính nhỏ hơn 5 micromet, không nhìn thấy bằng mắt thường, có chứa virus, sinh ra do các hoạt động thở và nói chuyện bình thường của người bệnh. Giọt này nhẹ nên lơ lửng trong không khí một thời gian lâu hơn giọt bắn (từ vài phút đến vài giờ) tùy theo điều kiện môi trường. Môi trường kín (phòng kín, thang máy), đứng gió và cự ly gần sẽ tồn tại lâu hơn. Ngược lại môi trường mở ngoài trời, thông gió, ánh nắng và cự ly xa, aerosol sẽ tồn tại ngắn hơn. Các hạt siêu nhỏ này lây bệnh do người bệnh hít phải chúng vào đường hô hấp và có thể ở thời điểm mà người bệnh đã không còn ở đó và đã rời đi nơi khác. Các hạt aerosol này thường lây ở cự ly gần trong vòng 2m.

Tuy nhiên, với không gian kín như trong phòng, chúng có thể lây ở cự ly xa hơn nếu người bệnh ở trong đó lâu (xem hình). Để giảm lây nhiễm từ các aerosol này, giữ khoảng cách, môi trường thông thoáng và độ lọc của khẩu trang là quan trọng. Khẩu trang vải thông thường có khả năng lọc chỉ khoảng 30% các hạt này, khẩu trang y tế lọc được 70% và khẩu trang N95 lọc được 95% các hạt này.

Về cách lây thứ ba là qua bề mặt tiếp xúc. Cách này mọi người biết rõ. Tuy nhiên, thống kê cho thấy lây qua hình thức này chiếm tỷ lệ thấp nhất trong 3 hình thức.

Chủ quan và chưa phòng hộ kỹ

Khả năng thứ hai là tiếp xúc người bệnh không triệu chứng. Những người này nếu mang khẩu trang không đảm bảo, tham gia đi chợ, mua đồ trong cộng đồng cũng dễ phát tán các giọt bắn và các giọt hô hấp siêu nhỏ cho môi trường, người xung quanh, trong công sở, trong thang máy.

Khả năng thứ ba nữa là sự chủ quan của người bệnh. Đại dịch làm phát sinh 2 khuynh hướng, một là lo lắng quá mức, hai là lơ là chủ quan, giãn cách càng lâu càng làm người ta chủ quan. Chủ quan làm người bệnh không phòng hộ kỹ, ví dụ như mang khẩu trang không đảm bảo về chất lượng, mang không đúng cách, đưa tay lên chạm khẩu trang, không mang tấm chắn, không sát khẩn tay và các bề mặt khi đi ra ngoài mua thức ăn, không giữ khoảng cách an toàn với mọi người xung quanh, còn trò chuyện với người xung quanh.

Khả năng thứ tư nữa là lây từ người thân trong gia đình. Người thân nhiễm không triệu chứng hoặc trẻ nhỏ không mang khẩu trang đúng cách cũng là đối tượng dễ bị lây và quay lại là nguồn lây cho gia đình.

TS.BS Trần Quốc Cường (giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM)

TS.BS Trần Quốc Cường