Năm 2024, Tạp chí TIME đã đưa GS Yoshua Bengio vào danh sách thường niên 100 người có ảnh hưởng nhất toàn cầu. Cũng trong năm này, ông đã được trao Giải thưởng VinFuture 2024. Giải thưởng này nhằm tôn vinh những đóng góp đột phá trong mạng nơ-ron nhân tạo và thuật toán học sâu, góp phần quan trọng vào sự phát triển của AI hiện đại.
Giáo sư Yoshua Bengio (ngoài cùng bên trái) nhận giải thưởng VinFuture 2024. Ảnh: VGP Nhật Bắc. |
Từng được trao giải ví như “Nobel của khoa học máy tính"
Sinh năm 1964 tại Pháp và lớn lên tại Canada, GS Yoshua Bengio sớm bộc lộ niềm đam mê với khoa học máy tính. Sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ tại Đại học McGill, ông tiếp tục nghiên cứu hậu tiến sĩ tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Năm 1993, ông gia nhập Đại học Montreal và bắt đầu hành trình nghiên cứu về học sâu (deep learning), một lĩnh vực còn non trẻ vào thời điểm đó.
GS Yoshua Bengio được coi là một trong 3 “cha đỡ đầu" của trí tuệ nhân tạo. Những nghiên cứu tiên phong của ông đã mở đường cho việc phát triển các ứng dụng AI tiên tiến, từ nhận dạng giọng nói, xử lý ngôn ngữ tự nhiên đến thị giác máy tính.
Năm 2018, với những đóng góp to lớn này, ông đã được trao Giải thưởng Turing, được ví như "Giải Nobel của khoa học máy tính". Ngoài giải thưởng này, ông là nhà khoa học máy tính được trích dẫn nhiều thứ hai trên thế giới (năm 2021).
Năm 1993, Giáo sư Bengio thành lập Viện nghiên cứu Mila tại Montreal, Canada. Dưới sự dẫn dắt của ông, Mila đã trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu AI hàng đầu thế giới, thu hút hơn 1.300 nhà nghiên cứu và hợp tác với 140 đối tác toàn cầu. Sự phát triển của Mila đã góp phần quan trọng đưa Montreal trở thành trung tâm toàn cầu về học sâu.
Tránh thiết kế "bản năng sinh tồn" cho AI
Là một trong những "cha đẻ" của trí tuệ nhân tạo (AI), GS Bengio đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển AI một cách an toàn và có trách nhiệm, nhằm đảm bảo lợi ích cho nhân loại và ngăn chặn những rủi ro tiềm ẩn.
Theo GS Yoshua Bengio luôn chú trọng tới việc phát triển AI an toàn. Ảnh: VGP/HM. |
GS Bengio cho rằng, AI nên được xây dựng như công cụ phục vụ con người, không phải như những "tác nhân" có khả năng tự đặt ra mục tiêu và hành động để đạt được mục tiêu đó. Ông cảnh báo rằng việc thiết kế AI với "bản năng sinh tồn" có thể dẫn đến tình huống AI tự phát triển mục tiêu riêng, mâu thuẫn với lợi ích của con người. Do đó, ông khuyến nghị tránh thiết kế các hệ thống AI giống con người, có cảm xúc, ngoại hình và thậm chí cả ý thức, quyền tự quyết, tự chủ, vì trí thông minh của chúng có thể nhanh chóng vượt qua con người và thúc đẩy những lợi ích không hoàn toàn vì hạnh phúc của nhân loại.
Vào tháng 3 năm 2023, trước những lo ngại về rủi ro tồn vong từ trí tuệ nhân tạo tổng quát, Giáo sư Bengio đã ký một bức thư ngỏ từ Viện Tương lai Sự sống, kêu gọi "tất cả các phòng thí nghiệm AI ngay lập tức tạm dừng ít nhất 6 tháng việc huấn luyện các hệ thống AI mạnh hơn GPT-4". Bức thư này đã được hơn 30.000 cá nhân ký tên, bao gồm các nhà nghiên cứu AI như Stuart Russell và Gary Marcus.
Tháng 8 năm 2024, Giáo sư Bengio cùng với Geoffrey Hinton và các chuyên gia khác đã đồng tác giả một bức thư ủng hộ Dự luật SB 1047 của California về an toàn AI. Dự luật này yêu cầu các công ty phát triển mô hình AI với chi phí trên 100 triệu USD phải thực hiện đánh giá rủi ro trước khi triển khai. Họ cho rằng luật này là "tối thiểu cần thiết cho việc quản lý hiệu quả công nghệ này".
Giáo sư Yoshua Bengio luôn nhấn mạnh rằng, sự phát triển của AI cần được thực hiện một cách thận trọng, với các biện pháp bảo vệ phù hợp để đảm bảo an toàn cho nhân loại. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác trong việc xây dựng các quy định và chính sách nhằm kiểm soát và giám sát sự phát triển của AI, đảm bảo rằng công nghệ này phục vụ lợi ích chung của xã hội.
Ông ủng hộ việc giám sát quyền truy cập vào các hệ thống AI như ChatGPT để có thể theo dõi các mục đích sử dụng có khả năng bất hợp pháp hoặc nguy hiểm
AI không “cướp” việc làm của con người
Tháng 12 năm 2024, GS Yoshua Bengio lần đầu tiên đến Việt Nam tham dự hội thảo "AI an toàn – Định hình đổi mới có trách nhiệm". Tại đây, ông đã chia sẻ quan điểm về AI liệu có thay thế được con người, về nguy cơ mất việc làm của con người khi có AI.
Theo GS Bengio, làn sóng sa thải công nghệ thời gian qua không hoàn toàn do hệ quả của sự phát triển AI và tự động hóa, mà còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố điều chỉnh kinh tế. "Điều đó xảy ra vào giai đoạn nền kinh tế không thuận lợi đối với các công ty.
Đến thời điểm này, AI thể hiện sự tiến bộ xuất sắc trong nhiều lĩnh vực, nhưng chưa hoàn toàn thay con người, đặc biệt ở những công đoạn đòi hỏi tư duy chiến lược, nghiên cứu. Có nghĩa, AI chưa mạnh ở các lĩnh vực vật lý và tương tác xã hội.
Ông cũng chỉ ra, một số kết quả nghiên cứu thời gian qua cũng cho thấy AI không "cướp" việc con người như nhiều người lo ngại. Thống kê về tương lai của thị trường lao động tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2023 cho thấy, đến 2025, AI dự kiến tạo ra 12 triệu việc làm mới trên toàn cầu. Một nghiên cứu khác của McKinsey cũng chỉ ra AI có thể đóng góp tạo ra từ 20 triệu đến 50 triệu việc làm mới trên thế giới vào năm 2030.
"Những lĩnh vực ứng dụng phức tạp, có yếu tố xã hội và ảnh hưởng đến con người sẽ vẫn là nơi con người đảm nhận chủ yếu. AI sẽ hỗ trợ trong việc thiết kế công nghệ, nhưng điều đó khác hoàn toàn so với việc hiểu và xử lý bối cảnh xã hội mà công nghệ được áp dụng", ông nói.
Với những đóng góp to lớn trong nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, Giáo sư Yoshua Bengio không chỉ đặt nền móng cho sự phát triển của AI hiện đại mà còn góp phần định hình cách thức AI được ứng dụng trong cuộc sống. Tầm nhìn và sự cống hiến của ông tiếp tục truyền cảm hứng cho các thế hệ nhà khoa học và kỹ sư trên toàn thế giới, thúc đẩy sự phát triển của công nghệ theo hướng có trách nhiệm và bền vững.