Khoa học & Công nghệ

Vệ sinh tủ lạnh, có thể tử vong

Lau dọn vệ sinh tủ lạnh không đúng cách cũng có thể bị điện giật tử vong. Theo các chuyên gia, không nên coi nhẹ việc bảo đảm an toàn điện khi vệ sinh tủ lạnh và phải nắm được những nguyên tắc an toàn cơ bản.

Mất mạng vì lau dọn tủ lạnh

Vào chiều 8/10, anh Hoàng T. (SN 1981), trú tại thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch, Quảng Bình) mở cửa tủ lạnh ra để lau chùi. Không may, tủ lạnh bị rò điện nên anh bị giật bất tỉnh rồi tử vong ngay sau đó, mặc dù đã được hàng xóm phát hiện và sơ cứu.

Những vụ tai nạn hy hữu từ tủ lạnh xảy ra không phải là hiếm. Thậm chí chiếc tủ lạnh còn gây ra vụ cháy chung cư 24 tầng ở Anh hồi tháng 6 vừa qua. Nguyên nhân bắt nguồn từ chiếc tủ lạnh rò điện.

Sử dụng tủ lạnh thế nào cho an toàn là câu hỏi đặt ra. Theo TS Nguyễn Việt Dũng, Viện Khoa học Nhiệt lạnh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tủ lạnh bị rò điện là sự cố cực kỳ nguy hiểm nếu không phát hiện ra. Nguyên nhân tủ lạnh bị rò rỉ điện có rất nhiều có thể do tủ lạnh cũ, đường dây điện hở, để tủ lạnh nơi ẩm thấp, đầu phích cắm không đảm bảo chất lượng hay tủ lạnh cũ đã xuống cấp…

Khi thiết bị đã rò điện thì dù là chiếc máy sấy tóc nhỏ gọn hay chiếc tủ lạnh to kềnh càng cũng có thể gây ra những sự cố chết người.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/lau-don-tu-lanh16-10-07.jpg

Cần tuân thủ các nguyên tắc an toàn khi lau dọn tủ lạnh. 

“Trường hợp phổ biến hay gặp ở tủ lạnh là lỗi chạm mát, nghĩa là sờ vào tủ thấy hơi tê tê chứng tỏ có một bộ phận bị rò rỉ điện. Do chi tiết bị hở đó có điện áp nhỏ nên không gây giật mà chỉ hơi tê. Tủ lạnh có phần vỏ bên trong bằng nhựa, được cách với lớp kim loại bên ngoài bằng lớp bảo ôn cách điện.

Tuy nhiên, bên trong tủ lạnh vẫn có các chi tiết có thể gây rò rỉ điện như dây dẫn điện cho quạt gió, dây dẫn của đèn báo sáng… Cộng với các yếu tố như tay ướt, đồ lau dọn tủ có nước hay người dọn tủ đi chân đất… thì đều có thể dẫn đến bị điện giật”, TS Nguyễn Việt Dũng cho biết.

Cũng theo TS Nguyễn Việt Dũng thì khi gặp bất cứ sự cố nào về rò rỉ điện đều phải rút phích cắm nguồn điện sau đó mới gọi thợ đến sửa. Kiểm tra các bộ phận dây dẫn điện xem có sự cố chuột gặm không.

Trường hợp hở điện ở mức nhẹ, chỉ hơi tê tê cũng phải xử lý ngay, không nên để lâu ngày điện rò rỉ có thể nguy hiểm đến tính mạng.

“Hiện nay ở một số chung cư cao cấp, khi lắp đặt tủ lạnh người ta thường có dây nối đất nằm ngay ở ổ điện. Khi đó thì tủ lạnh dù có bị rò rỉ điện cũng không thể gây giật dẫn đến tử vong được” – TS Nguyễn Việt Dũng.

Không chạm vào máy nén và giàn tản nhiệt

TS Nguyễn Việt Dũng cho biết, có một vấn đề mà nhiều người hay mắc phải khi vệ sinh tủ lạnh là quét, lau dọn ở bộ phận máy nén và giàn tản nhiệt, nằm ở phía sau của tủ lạnh. Do để lâu ngày, bộ phận này thường bị bám bụi.

Tuy nhiên, đây chính là nơi tập trung các dây dẫn điện của tủ lạnh, chỉ người có chuyên môn mới xử lý được. Nếu quét, lau dọn bụi ở khu này, rất dễ dẫn đến tình trạng chập, cháy, thậm chí là gây nổ. Nếu tủ lạnh trong nhà đã quá cũ, nên thay tủ mới để đảm bảo an toàn.

Muốn lau dọn tủ lạnh, nguyên tắc đầu tiên theo TS Nguyễn Việt Dũng là phải rút nguồn điện, sau đó xả băng, lau sạch tủ, để khoảng 2 tiếng rồi cắm lại. Để lau tủ lạnh, bạn có thể sử dụng axit boric là một loại axit yếu thường được dùng làm chất sát trùng.

Nếu không thích mùi hóa học, có thể dùng dấm pha loãng để lau cũng rất hiệu quả. Sau khi lau dọn, để khoảng 1 – 2 tiếng, mở cửa tủ lạnh cho thoáng khí rồi mới cho thức ăn vào tủ.

Về nguyên tắc an toàn, nên đặt tủ lạnh nên đặt cách xa các nguồn nhiệt như bếp, lò than,… Khi tủ lạnh đang làm việc, nếu nhiệt độ xung quanh tăng cao 50C, điện năng tiêu thụ của tủ có thể tăng lên 25%.

Ngoài ra, tủ lạnh đặt gần nguồn nhiệt cao cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Không nên cắm tủ lạnh chung ổ với các thiết bị điện tiêu thụ nhiều điện năng khác.

Lý do là hai thiết bị điện cùng hoạt động, ổ cắm có thể không chịu được, dễ xảy ra hiện tượng đoản mạch gây cháy nổ.

Bảo Khánh