Ảnh

Vẻ đẹp hùng vĩ của non nước miền biên ải Cao Bằng

  • Tác giả : Thu Giang
Được ví như hòn ngọc xanh của vùng Đông Bắc, Cao Bằng - vùng đất địa đầu của Tổ quốc được thiên nhiên ưu ái ban tặng vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình cùng với cảnh núi rừng hùng vĩ và cái nôi của nhiều di tích lịch sử.

Đây là vùng có địa hình, có hệ thống sông, suối dày đặc, núi đồi trùng điệp và các thung lũng sâu,... Núi rừng chiếm hơn 90% diện tích toàn tỉnh.

Mỗi mùa Cao Bằng lại khoác lên mình một vẻ đẹp riêng. Thời điểm đặt chân đến Cao Bằng lý tưởng nhất là từ đầu tháng 8 đến hết tháng 9 hàng năm. Thời gian này, các thác nước đầy tràn cơ hội để du khách chiêm ngưỡng cảnh quan hùng vĩ vô cùng mãn nhãn.

Địa điểm không thể bỏ qua

Thác Bản Giốc: Là một trong những thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á, nằm trên sông Quây Sơn tại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, thuộc địa phận xã Ðàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Từ độ cao hơn 60m, với tầng dốc dài nhất 30m, những khối nước lớn đổ xuống qua nhiều tầng đá, cuồn cuộn tuôn chảy giữa sắc xanh núi rừng vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng hiền hòa. Dưới chân thác là những nếp nhà và thửa ruộng xanh mướt của người dân tộc Nùng và Tày.

Thác Bản Giốc. Ảnh Thu Trang

Thác Bản Giốc. Ảnh Thu Trang

Thời điểm lý tưởng nhất để đến đây là tháng 8 - tháng 11. Giai đoạn tháng 8 - tháng 9 là lúc Cao Bằng vào cuối mùa mưa nên lượng nước ở thác nhiều và trong xanh.

Công viên địa chất Non nước Cao Bằng: Được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu thứ 2 Việt Nam vào tháng 4/2018. Nơi đây không chỉ hấp dẫn du khách với vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ mà còn thu hút với hơn 200 di tích lịch sử, văn hóa và nhiều danh lam, thắng cảnh khác

Di tích Pác Bó – suối Lê Nin: Là một khu di tích lịch sử cách mạng quốc gia – đặc biệt của Việt Nam. Không chỉ là một cụm di tích lịch sử, nơi đây còn có cảnh sắc thiên nhiên đẹp tựa tiên cảnh. Với diện tích hơn 500ha, nơi này được chia thành nhiều cụm di tích gắn liền với sinh hoạt thường ngày của Bác Hồ.

Suối Lê Nin nằm ngay trước cửa hang Cốc Bó, suối Lê Nin có dòng nước trong veo, màu xanh ngọc bích. Vẻ đẹp thanh bình của suối Lê Nin khiến du khách đến đây, ai cũng cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái.

Cột mốc 108 – hành trình tìm về lịch sử: Nơi ghi dấu ấn sâu sắc nhất trong lịch sử cách mạng Việt Nam, còn là nơi đầu tiên Bác Hồ đặt chân trở về sau 30 năm xa quê hương tìm đường cứu nước. Không chỉ là chứng tích lịch sử, đến nay mà cột mốc 108 vẫn hiên ngang đứng vững như một điểm check-in của du khách đi qua nơi này.

Chinh phục đèo Mã Phục: Cung đường được mệnh danh là con đèo đẹp nhất Cao Bằng với tổng chiều dài hơn 3.5km và cao gần 700m so với mực nước biển. Đèo Mã Phục “vắt” ngang ngọn núi đá vôi và thung lũng tạo nên hình ảnh tương tự con ngựa. Khung cảnh xung quanh đèo Mã Phục đẹp hút hồn, một bên là vách núi cheo leo, một bên lại là vực sâu thăm thẳm. Chính độ hiểm trở tạo nên nét kỳ thú có một không hai tại nơi đây.

Chinh phục đèo Mẻ Pia. Ảnh Thu Trang

Chinh phục đèo Mẻ Pia. Ảnh Thu Trang

Hồ Thang Hen: Nằm trong quần thể 36 hồ nước tự nhiên ở độ cao gần 1700m và kết nối thông qua hệ thống hang động dưới lòng đất. Hồ nước có khung cảnh đẹp nhất nhì Bắc Bộ với dòng nước màu xanh ngọc bích phản chiếu mây trời. Xung quanh hồ là những cánh rừng nguyên sinh và thảm hoa dại nở rộ.

Khi đến Hồ Thang Hen du khách có thể tản bộ quanh hồ, đi thuyền khám phá thiên nhiên hay check-in tại những địa điểm gần đó như mỏm đá cô đơn, vườn hoa dã quỳ, ngôi nhà cổ tại Lũng Táo,...

Động Ngườm Ngao - Kiệt tác thiên nhiên: Nằm ẩn mình trong vùng núi của huyện Trùng Khánh, đây là một hang động đá vôi có chiều dài hơn 2100m. Được ví như báu vật vùng biên ải với những thạch nhũ đủ mọi hình dạng độc đáo và màu sắc bắt mắt “mọc” lên khắp mọi ngóc ngách.

Làng đá cổ Khuổi Ky: Là ngôi làng đã có tuổi đời hàng trăm năm, được xây dựng dưới chân của núi đá vôi và là nơi sinh sống của 14 hộ gia đình dân tộc Tày. Đến đây du khách sẽ được ngắm nhìn những căn nhà cổ kính được xây dựng bằng đá, kiến trúc chung của những căn nhà này đều được xây dựng theo lối nhà truyền thống 3 gian lợp ngói với nền móng bằng đá vô cùng chắc chắn.

Khu sinh thái Phia Đén – Phia Oắc: Được ví như một “người đẹp ngủ trong rừng”. Nếu đến đây vào mùa đông, du khách có cơ hội được ngắm không gian tuyết phủ trắng xóa. Tại Phia Oắc, cảnh quan thiên nhiên vẫn còn mang đậm nét đẹp hoang sơ cùng với nhiều loài động thực vật vô cùng quý hiếm có giá trị về mặt khoa học.

Núi Mắt Thần: Sở dĩ có tên gọi là Núi Mắt Thần bởi vì ở phía trên đỉnh có một hang thủng hình tròn tựa như “con mắt” sừng sững giữa núi rừng bạt ngàn. Nơi đây được ví như thảo nguyên du mục nằm len lỏi trong những ngọn núi đá trập trùng giữa màn sương trắng nắng vàng.

Núi Mắt Thần. Ảnh Thu Trang

Núi Mắt Thần. Ảnh Thu Trang

Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc: Là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng tại miền biên cương phía Đông Bắc nước ta. Từ đây, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm toàn bộ thác và núi rừng hùng vĩ.

Bên cạnh cảnh thiên nhiên tươi đẹp, không gian yên bình, du khách còn có cơ hội được thưởng thức những món ẩm thực bản địa như bánh cuốn, bánh áp chao, xôi trám, bánh trứng kiến, bánh coóc mò cốm,...

Bỏ túi kinh nghiệm du lịch

Du khách có thể lựa chọn đi xe khách Hà Nội đến Cao Bằng. Giá vé dao động từ 250.000 - 300.000 đồng/chiều.

Ngoài ra, du khách có thể đi bằng xe máy hoặc ô tô cá nhân di chuyển theo hướng cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, theo QL4 đến Cao Bằng, hoặc di chuyển từ Hà Nội theo hướng QL3 qua các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn để tới Cao Bằng.

Du khách cần chú ý mang đầy đủ giấy tờ tùy thân, vật dụng cá nhân, đồ y tế. Địa hình Cao Bằng khúc khuỷu quanh co, do đó du khách cần di chuyển thật sự cẩn thận và chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông.

Ngoài ra, du khách nên tìm hiểu phong tục tập quán của người đồng bào nơi đây để không phạm phải những điều kiêng kỵ khi ghé thăm bản làng.

Thu Giang