Báo cáo ngày 10/9 của thành phố Hà Nội cho thấy, dự án tuyến đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô sẽ đi địa phận 3 tỉnh, thành (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh).
Cụ thể, đối với TP Hà Nội tổng chiều dài 58,2km đi qua 07 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và quận Hà Đông.
Đối với tỉnh Hưng Yên đoạn đường dài 19,8km đi qua 04 huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm.
Đoạn qua tỉnh Bắc Ninh dài 24,2km và tuyến nối 09km, đi qua 03 huyện và thành phố: Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình và TP Bắc Ninh.
Dự án này được đánh giá là phải giải phóng mặt bằng để có quỹ đất thi công rất lớn.
Theo số liệu được tư vấn thiết kế tính toán, khảo sát quỹ đất phải giải phóng mặt bằng là trên 1.400ha, trong đó thành phố Hà Nội là 904ha, tỉnh Bắc Ninh là 285ha, tỉnh Hưng Yên là 277ha.
Trong đó, quỹ đất cần giải phóng thuộc khu dân cư khoảng 44ha, đất trồng lúa 918ha, đất nông nghiệp khác khoảng 334ha, các loại đất hỗn hợp khoảng 170ha.
Theo khảo sát, có khoảng hơn 16.600 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó 1.997 hộ dân phải bố trí tái định cư.
Về kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư, theo tính toán của Tư vấn thiết kế là khoảng 24.200 tỷ đồng.
Theo Quyết định 1287/QĐ-TTg ngày 29/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, đường Vành đai 4 có mặt cắt ngang 6 làn xe cao tốc có đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và dự trữ mở rộng. Tổng chiều rộng mặt bằng cắt ngang 120m.
Đoạn đi ra ngoài đê sông Đáy hiện hữu tổng chiều rộng mặt cắt ngang 135m, một số vị trí đặc biệt đi qua khu đô thị, khu công nghiệp khó khăn về giải phóng mặt bằng có thể thu hẹp phần dài dự trữ.
Đối với đoạn quy hoạch đường sắt đi song hành, tiến hành giải phóng mặt bằng ngay 30m dành cho hành lang đường sắt trong tương lai trong tổng thể mặt cắt ngang Vành đai 4.
Tuyến nối theo hướng quy hoạch đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long đến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang nhằm khép kín đường Vành đai 4 theo quy hoạch đầu tư với quy mô 06 làn xe cao tốc. Giai đoạn trước mắt đầu tư với quy mô phân kỳ 04 làn xe với bề rộng nền đường cao tốc 17m để đồng bộ toàn dự án.
Để đảm bảo hiệu quả đầu tư UBND TP Hà Nội đã kiến nghị đầu tư phân kỳ.
Theo đó, đường cao tốc đầu tư giai đoạn 1 được nối thông toàn tuyến nhằm đảm bảo tính kết nối với quy mô 04 làn xe, bề rộng nền đường 17m.
Theo kết quả tính toán, với quy mô đầu tư giai đoạn phân kỳ như trên có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chí hiện đại, đồng bộ và đáp ứng nhu cầu vận tải đến khoảng năm 2040.
Một số đoạn có lưu lượng cao có thể xem xét mở rộng trong quá trình khai thác nếu có nhu cầu và bố trí được nguồn lực.
Đối với tuyến nối phân kỳ đầu tư đảm bảo quy mô 04 làn xe, bề rộng nền đường 17m.
Tuyến đường được thực hiện công tác giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô quy hoạch, đầu tư hệ thống đường bên với quy mô phù hợp với từng đoạn tuyến theo nhu cầu vận tải và tốc độ phát triển các khu dân cư, đô thị để đảm bảo phục vụ kết nối dân cư hai bên tuyến, quản lý quỹ đất đã được giải phóng mặt bằng.
Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 94.127 tỷ đồng, dự kiến được thực hiện trong vòng 7 năm kể từ 2021 đến 2028.
Việc đầu tư tuyến đường Vành đai 4 nhằm phục vụ kết nối giao thông giữa Hà Nội với các tỉnh thuộc Vùng Thủ đô; Liên kết các tuyến đường bộ cao tốc, các quốc lộ hướng tâm đã và đang triển khai.
Dự án là tiền đề để Hà nội và các tỉnh phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế đô thị và nông thôn khu vực hai bên đường nói riêng và vùng Thủ đô các tỉnh thuộc Vùnb kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.