Sáng 9/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Nữ trí thức Việt Nam đã tổ chức Hội thảo: “Giải pháp thúc đẩy tiêu dùng xanh góp phần bảo vệ môi trường - Vai trò của trí thức”.
Tiêu dùng xanh là trách nhiệm của toàn xã hội
Phát biểu tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy tiêu dùng xanh góp phần bảo vệ môi trường - Vai trò của trí thức”, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cho hay, tiêu dùng xanh là sử dụng các sản phẩm và dịch vụ có ít tác động đến môi trường, giúp giảm thiểu rác thải và tiêu tốn tải nguyên, là giải pháp quan trọng để bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững đã trở thành xu hướng tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam chúng ta cũng nằm trong xu thế tiến bộ đó.
|
Từ trái qua: GS.TS Lê Thị Hợp, TSKH Phan Xuân Dũng, PG.TS Bùi Thị An đồng chủ trì Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy tiêu dùng xanh góp phần bảo vệ môi trường - Vai trò của trí thức”. Ảnh: Mai Loan. |
Chính vì thế mà "Tiêu dùng xanh" đã được Chính phủ đưa vào 01 trong 4 mục tiêu lớn tại Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh, bao gồm: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, Xanh hoá các ngành kinh tế; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, Xanh hoá quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đãng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.
|
TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Mai Loan. |
“Tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững là mục tiêu trọng tâm, hướng người tiêu dùng hình thành thói quen sử dụng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ thân thiện với môi trường, từ đó buộc các đơn vị, doanh nghiệp cung ứng hàng hoá, dịch vụ phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Từ đó sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, xanh hoá các ngành kinh tế và thực hiện cam kết Net- Zero vào năm 2050”, Chủ tịch Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.
Theo TSKH Phan Xuân Dũng, tiêu dùng xanh mang đến nhiều lợi ích trong sản xuất và tiêu dùng như: Thân thiện với môi trường; An toàn và tiết kiệm; Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, Khuyến khích sản xuất và sáng tạo, và Tăng cường sức khoẻ cộng đồng. Thấy được tầm quan trọng của tiêu dùng xanh, nên trong thời gian qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chỉnh sách quan trọng. Trong đó, có Nghị quyết 24/1 NQ/TW về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
|
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Mai Loan. |
Trong những năm qua tiêu dùng xanh đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, hiện tại, đang gặp phải một số khó khăn, thách thức. Đó là: Giá hàng hoá, dịch vụ còn cao; thói quen tiêu dùng vẫn chưa được cải thiện; ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp và người tiêu dùng còn hạn chế; việc hình thành chuỗi cung ứng xanh từ khâu sản xuất, phân phối đến tiêu dùng... còn hạn chế; Thực thi chính sách còn hạn chế, đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và bền vững cũng như tiêu dùng xanh.
“Như vậy, tiêu dùng xanh là trách nhiệm của toàn xã hội, nhưng vai trò của người phụ nữ là vô cùng quan trọng, đôi khi là quyết định do họ là “thị trường của tiêu dùng xanh", bởi vì chỉnh họ là những người bà, người mẹ, người vợ quyết định chính trong tiêu dùng xanh của mỗi gia đình và tổ chức nơi họ làm việc”, Chủ tịch Phan Xuân Dũng khẳng định, từ đó chỉ ra sự hợp lý, cần thiết của việc tổ chức hội thảo này.
Nữ trí thức cần đi đầu trong tiêu dùng xanh
TS Phạm Thị Liên, Hội Nữ trí thức Việt Nam đánh giá, nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam về tiêu dùng xanh đã có những chuyển biến tích cực. Theo khảo sát của Intage Việt Nam, 95% người tiêu dùng tại Hà Nội và TP HCM đã cho thấy, nhận thức về việc bảo vệ môi trường thông qua các hành động tích cực và thay đổi thói quen hàng ngày. Những hành động thiết thực như ưu tiên sử dụng thực phẩm hữu cơ và thuần tự nhiên được 73% người tiêu dùng ủng hộ; 61% đã hình thành thói quen tắt các thiết bị điện khi không sử dụng để tiết kiệm năng lượng, và 44% giảm thiểu sử dụng túi nhựa bằng cách thay thế bằng túi vải canvas hoặc các loại túi tái sử dụng.
|
TS Phạm Thị Liên, Hội Nữ trí thức Việt Nam. Ảnh Mai Loan. |
Khảo sát của NielsenIQ năm 2023 cũng chỉ ra: 49% người tiêu dùng mang túi riêng hoặc sử dụng túi tái chế khi mua sắm; 47% chỉ mua đồ cần thiết để tránh lãng phí; 45% có ý thức phân loại rác tái chế và tiết kiệm điện. Theo Bộ Công Thương, 72% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh.
TS Phạm Thị Liên nhấn mạnh: Để thúc đẩy tiêu dùng xanh tại Việt Nam, cần có sự hợp tác chặt chẽ từ ba phía: người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Theo đó, người dân cần thay đổi thói quen tiêu dùng, từ việc ưu tiên các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường đến hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.
Doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm xã hội, đầu tư vào công nghệ xanh và phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, đồng thời xây dựng thương hiệu gắn liền với giá trị bảo vệ môi trường.
Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện chính sách hỗ trợ, ban hành các quy định và chế tài khuyến khích sản xuất và tiêu dùng xanh, cũng như đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh. Các chiến dịch tuyên truyền và giáo dục về tiêu dùng xanh cũng cần được triển khai mạnh mẽ để nâng cao nhận thức của cộng đồng.
GS.TS Phạm Thị Mỹ Dung, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng, Hội nữ trí thức Hà Nội cho biết, tiếng nói tuyên truyền, quảng bá tiêu dùng xanh của nữ trí thức nói riêng và trí thức nói chung có tầm ảnh hưởng lớn đến thay đổi hành vi tiêu dùng. Họ còn hỗ trợ sản xuất sản phẩm xanh, cần sản xuất, chế biến, cung ứng sản phẩm xanh cho tiêu dùng xanh…
“Trí thức vừa là nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo hoặc hoạt động thực tiễn nhưng cũng là người tiêu dùng. Để đóng vai trò mẫu mực hoặc mô hình tiêu dùng xanh, nữ trí thức cần đi đầu trong tiêu dùng xanh và dẫn dắt tiêu dùng xanh cho các thế hệ trong gia đình, trong cộng đồng; có các hoạt động tập thể về tiêu dùng xanh như cùng nhau hợp tác đặt hàng xanh, cùng mua chung sản phẩm xanh; tổ chức câu lạc bộ tiêu dùng xanh, HTX tiêu dùng xanh…”, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Dung nói.
TS Trần Thị Dung, PCT Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhấn mạnh đến vai trò của người phụ nữ trong tiêu dùng xanh. Theo đó, phụ nữ cần ưu tiên chú trọng đến việc lựa chọn sản phẩm hữu cơ, tái chế và giảm thiểu rác thải.
Khi mua thực phẩm, cần ưu tiên chọn sản phẩm hữu cơ, không chứa hóa chất độc hại để đảm bảo sức khỏe, giúp ích cho việc gìn giữ môi trường; sử dụng sản phẩm tái chế và có thể tái sử dụng, hạn chế sử dụng sản phẩm dùng một lần như túi nilon, chai nhựa. Thay vào đó, hãy sử dụng các sản phẩm có thể tái sử dụng hoặc tái chế; lắp đặt các thiết bị tiết kiệm năng lượng và nước như bóng đèn LED, vòi nước tiết kiệm và máy lọc nước,... là cách giúp giảm lượng năng lượng tiêu thụ và giảm chi phí hóa đơn hiệu quả.
Khi mua sắm, hãy lựa chọn các doanh nghiệp có cam kết sản xuất xanh và thân thiện với môi trường. Các doanh nghiệp này áp dụng các phương pháp sản xuất bền vững và cung cấp sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
“Tạo thói quen phân loại rác thải và tái chế là việc rất cần thiết. Điều này không chỉ giúp giảm lượng rác thải đổ ra bãi chôn lấp mà còn góp phần bảo vệ môi trường”, TS Trần Thị Dung nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, ngành chăn nuôi hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến môi trường và sức khỏe cộng đồng, chưa thực sự gắn kết với xu hướng tiêu dùng xanh. Do quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, liên kết chuỗi chưa sâu, dịch bệnh xảy ra nên chất lượng sản phẩm chăn nuôi còn nhiều bất cập, việc sử dụng chất kích thích tăng trưởng, kháng sinh còn ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người tiêu dùng. Sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm soát sau giết mổ khi sử dụng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi chưa được xử lý triệt để... Nước ta hiện vẫn chưa có một hệ thống chính sách đồng bộ, rõ ràng để hỗ trợ và khuyến khích phát triển chăn nuôi xanh.
|
Phó Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Ngọc Sơn. Ảnh: Mai Loan. |
Để phát triển chăn nuôi gắn với tiêu dùng xanh, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, cần xây dựng và thực hiện hiệu quả thể chế ngành chăn nuôi; nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển giống vật nuôi; chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi; tổ chức liên kết gắn với thị trường, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn thực phẩm... Đặc biệt, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và sự đồng thuận của người chăn nuôi với người tiêu dùng.