- Ung thư các bộ phận của nhãn cầu phần lớn là các u nội nhãn bởi vỏ củng mạc của nhãn cầu gần như không bị ung thư do cấu trúc collagene chắc chắn, không có mạch máu. Vỏ nhãn cầu ở phần trước là giác mạc cũng rất hiếm gặp ung thư.
- Ung thư phần phụ nhãn cầu (các bộ phận che chắn, bảo vệ, hỗ trợ hoạt động cho nhãn cầu): Gốc phôi thai học là biểu mô, không sừng hóa, có chất nền riêng nên hay gặp khối u hơn. Cấu trúc lympho nằm trong kết mạc, phần nông của hốc mắt là nguồn gốc của nhiều loại u lympho. Hệ thống lệ bao gồm tuyến lệ chính, đường lệ, túi lệ cũng có một số bệnh lý khối u khá ác tính. U hốc mắt bao gồm u cơ, u mạch máu, u mỡ, u thần kinh cũng khá phổ biến trong chuyên ngành khối u nhãn khoa.
- U thư thứ phát hay u do di căn: Mắt được bảo vệ tốt, khá biệt lập trong hốc xương, ít cấu trúc lympho, có hàng rào máu mắt và máu võng mạc che chở nên ung thư thứ phát hay di căn đến mắt khá hiếm gặp. Tuy vậy không phải là không có trong đó phải kể đến K xoang, u não-màng não, u thần kinh …hay có khi là di căn từ xa như K phổi và tiền liệt tuyến trên nam giới, K vú và buồng trứng của nữ giới.
Khi u lan vào các vùng quan trọng như thị thần kinh, hoàng điểm hay xâm lấn vào trục thị giác sẽ gây giảm thị lực và mù lòa nhanh chóng. U phát triển làm tăng áp lực nội nhãn, phá vỡ cấu trúc của nhãn cầu làm bệnh nhân đau nhức ghê gớm, gây lồi mắt. Điều trị các khối u nội nhãn do vậy cần phải khẩn trương, quyết liệt mới hy vọng cứu vãn thị lực. Sau đó cũng phải tìm cách ngăn ngừa u di căn ra xa. Điều này phụ thuộc vào chất lượng theo dõi, tuân thủ khám lại, phối hợp với chuyên khoa ung thư.
K võng mạc là loại ung thư mắt phổ biến nhất trên trẻ em dưới 6 tuổi. Bệnh xuất hiện do đột biến gene RB1 trên nhiễm sắc thể số 13. Bệnh có thể biểu hiện 1 hoặc 2 mắt, có thể tự phát hoặc do di truyền. Nếu được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể khỏi với tỷ lệ sống lên tới 90- 95% và khả năng giữ nhãn cầu rất cao, thậm chí còn cải thiện được thị lực cho một số trường hợp. Với những trường hợp đến muộn, có di căn, giải pháp bắt buộc là bỏ mắt để bảo tồn tính mạng trước, bảo tồn nhãn cầu và duy trì thị lực sau. Công thức phổ quát để điều trị là :
+ Nếu khối u nhỏ: Có thể điều trị đơn thuần tại mắt bằng laser/nhiệt đông/lạnh đông hoặc đặt đĩa phóng xạ tại vị trí u.
+ Nếu khối u lớn: Hóa chất tĩnh mạch toàn thân hoặc tiêm hóa chất nội động mạch kết hợp với điều trị tại chỗ.
+ Cắt bỏ nhãn cầu khi khối u lớn,có nguy cơ xâm lấn di căn cao. Cần xem kết quả giải phẫu bệnh để điều trị hóa chất bổ trợ.
+ Nếu khối u đã di căn ra ngoài nhãn cầu cần phối hợp hóa trị với cắt bỏ nhãn cầu/nạo vét tổ chức hốc mắt và xạ trị hốc mắt.
BS Hoàng Cương (BV Mắt T.Ư)