Khoa học & Công nghệ

“Ứng phó” với kiến ba khoang

  • Tác giả : Bảo Khánh
(khoahocdoisong.vn) - Gần đây, một số ban quản lý chung cư, ký túc xá các trường đại học ra thông báo "cảnh giác" với kiến ba khoang. Cần nắm vững các nguyên tắc xử lý đối với loại kiến ba khoang có độc tố như nọc rắn này.

Gần đây, một số ban quản lý chung cư, ký túc xá các trường đại học ra thông báo "cảnh giác" với kiến ba khoang. Cần nắm vững các nguyên tắc xử lý đối với loại kiến ba khoang có độc tố như nọc rắn này.

Chung cư cao tầng dễ gặp kiến ba khoang

Theo thông tin trên các phương tiện truyền thông, nhiều địa điểm như chung cư, ký túc xá các trường đại học trên địa bàn TPHCM đã đưa ra thông báo về việc “Phòng chống viêm da do tiếp xúc với côn trùng”, “Khuyến cáo phòng chống dịch kiến ba khoang”… 

GS Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, kiến 3 khoang không thuộc họ kiến. Đây là loài côn trùng bắt mồi có tên khoa học là Paederus fuscipes Curtis. Dưới đốt bụng của kiến ba khoang có hai tuyến độc tố có tên khoa học là Pederin. Khi tiếp xúc với da, theo phản xạ của loài bắt mồi, độc tính Pederin được tiết ra và trực tiếp thấm vào da, nhẹ thì sẽ làm da ngứa rát, nặng hơn thì sưng, phồng rộp, nhiễm trùng mưng mụt nước. Đặc biệt nếu độc tố dính vào mắt thì có thể gây bỏng mắt hoặc bị mù tạm thời.

Kiến ba khoang thường sống ở các khu chung cư cao tầng, đặc biệt là nơi gần với cánh đồng lúa. Ngoài ra, những khu nhà ẩm thấp, điều kiện vệ sinh kém, cũng dễ là nơi trú ngụ của kiến ba khoang. 

Nếu thấy kiến bò trên da người thì chớ đập giết chúng để hạn chế chất độc lan rộng. Bàn tay lỡ đập chết kiến ba khoang cần rửa sạch bằng xà phòng càng nhanh càng tốt để tránh độc tố kiến dính vào. Khi da bị tổn thương tấy đỏ, lan rộng phải đi khám, không nên tự ý mua thuốc điều trị, bởi trong các loại thuốc bôi ngoài da có chứa corticoid… nên cần có bác sĩ chỉ định mới được dùng. Điều trị đúng thì 1 tuần là khỏi, nhưng chữa trị muộn có thể để lại sẹo.

Nhận biết kiến ba khoang

Theo GS Bùi Công Hiển thì nhiều người có đã xử lý sai cách khi bị kiến ba khoang đốt dẫn đến chất độc phát tác gây ra những hậu quả không đáng có cho sức khỏe. Kiến ba khoang có thân hình thon, dài như hạt thóc (dài khoảng 0,7 - 1cm, ngang 2 - 5mm), có 3 đôi chân, bụng có đốt, thon nhọn về đuôi. Loài kiến có đôi cánh trong suốt gấp gọn bên dưới cánh cứng, tuy nhiên chúng hiếm khi bay và bò rất nhanh. Kiến ba khoang có đầu và bụng dưới màu đen, trong khi ngực và bụng trên lại có màu đỏ, vùng trên giữa phát quang ngũ sắc, óng ánh màu xanh, đính kèm đôi cánh cứng.Kiến 3 khoang thực chất là loài côn trùng có lợi, con người không phải mục tiêu tấn công của nó, nhưng nhiều người lại đối phó sai cách gây tổn hại sức khỏe.

Nếu có sự hiện diện của kiến ba khoang trong khu vực, nên thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng, vì kiến ba khoang rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang. Tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng. Sử dụng lưới các cửa sổ và cửa ra vào, hạn chế mở cửa nhiều. Vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà, vì đây là nơi trú ẩn tốt cho kiến ba khoang.

Để phòng tránh, các căn hộ ở chung cư cao tầng, khu đô thị có thể dùng lưới chống kiến 3 khoang, muỗi, côn trùng. Mùa côn trùng phát triển (các tháng 3, 4, 5 và các tháng 8, 9, 10 hàng năm) nên hạn chế bật đèn neon, đèn có ánh sáng xanh. Có thể bật đèn ban công để hút côn trùng chỗ đó, giảm bớt mật độ bay vào nhà.

Bảo Khánh

Bảo Khánh