Chữa bệnh không dùng thuốc

Ứng dụng thuyết âm dương trong YHCT

Cách đây 300 năm sách cổ về y học phương Đông đã đề cập đến thuyết âm dương. Sách nội kinh viết “âm dương là đạo của trời đất, là đường nối của muôn vật, là cha mẹ của sự biến hóa, là nguồn gốc của sự sinh sát”. Dưới đây xin giới thiệu ứng dụng thuyết âm dương trong YHCT.

Đông y nhiều ứng dụng trong thực tiễn

Quy luật âm dương là cơ sở của YHCT, nó thể hiện bằng vòng tròn có 2 phần âm dương đối lập nhau. Trong âm có dương, trong dương có âm, chúng chuyển hóa lẫn nhau, chế ước lẫn nhau tạp thành hai cực vừa đối lập vừa thống nhất và cân bằng nhau.

*Trong thiên nhiên quy luật: âm dương được phân định rõ ràng. Dương bao gồm trời, ban ngày, mặt trời, lửa phía trên, bên ngoài, nóng, động… Âm bao gồm đất, ban đêm, mặt trăng, nước, phía trong, lạnh, tĩnh… Giữa âm và dương có mối liên quan mật thiết với nhau. Trời là dương nhưng vẫn có âm nên có mưa, tuyết rơi, sương mù… còn đất là âm vẫn có hơi nước bốc lên thành mây…

*Trong YHCT: Có thể là một khối thống nhất nhưng vẫn phân định ra các tạng thuộc về âm như: Tạng tâm, can, tỳ, phế, thận. Các phủ thuộc về dương như: Đởm, vị, đại trường, tiểu trường, bàng quang… Phần khí thuộc dương, huyết thuộc âm. Thủy (các chất dịch trong cơ thể là âm). Hỏa ( sức nóng thuộc dương). Mạch trầm, trì, vi, tế thuộc âm. Mạch phù, đại, hoạt, sác thuộc dương. Chất dinh dưỡng thuộc về âm, cơ năng hoạt động thuộc về dương.

Theo quy luật âm dương tuy là 2 mặt đối lập nhưng trong cơ thể âm dương luôn thống nhất và cân bằng mới duy trì được sự sống. Nếu âm dương mất cân bằng là phát sinh ra bệnh tật. Sách Tố Vấn viết: Âm ở trong giữ gìn cho dương ở ngoài, dương ở ngoài giúp đỡ cho âm ở trong”. Dương được kín đáo, âm được bình hòa thì tinh thần được yên vững, cơ thể khỏe mạnh.

BS Kim Lan

Nguyên cán bộ Bệnh viện Châm cứu Trung ương