KINH TẾ

Ứng dụng công nghệ để giải cứu nông sản

  • Tác giả : Tuyết Vân
(khoahocdoisong.vn) - Ứng dụng chuyển đổi số, đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử, livestream bán hàng tại vườn trên các trang mạng xã hội... sẽ giúp giảm bớt tình trạng phải đi giải cứu nông sản. Về lâu dài, ứng dụng công nghệ cũng là hướng đi phát triển và tiêu thụ nông sản bền vững.

Công nghệ giúp tiếp cận nhanh

Những ngày qua, dịch Covid-19 trở lại, thương lái không thu mua lại thêm thời tiết thuận lợi, năng suất rau tăng cao, dẫn đến nông sản ế thừa, mất giá, để thối đầy đồng... khiến xã hội phải chung tay giải cứu. Mặc dù đồng tình với tinh thần "tương thân, tương ái" của xã hội, nhưng việc giải cứu nông sản này sẽ dẫn đến cách hiểu "nông nghiệp là nghèo nàn, thấp kém".

Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương cho biết, việc nông sản đổ đầy đường rồi nói là giải cứu làm mất đi nhuệ khí, thậm chí mất đi tinh thần tự do của sản xuất kinh tế thị trường. Ông Dương cho rằng, nông dân phải tham gia vào chuỗi kinh doanh theo cơ chế thị trường. Khi ý thức được điều này, nông dân mới sản xuất theo chuỗi liên kết và được các doanh nghiệp trong chuỗi bảo vệ đối tác của mình. “Trong chuỗi sản xuất, nhà doanh nghiệp lớn đương nhiên phải bảo vệ đối tác trong chuỗi giá trị của mình. Nông dân làm cho chúng tôi, chúng tôi phải bảo vệ", ông Dương nói.

Góp ý thêm, ông Trần Bá Dương cho hay, ngành nông nghiệp phải cơ cấu lại dựa vào thị trường theo hai hướng, một là sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cơ giới hoá, tổ chức sản xuất với sản lượng, chất lượng ổn định và phân phối ở các thị trường lớn. Ở quy mô sản xuất nhỏ hơn thì phải theo hướng tam nông. Các tập đoàn đưa ra mô hình sản xuất kinh doanh, cam kết cung ứng thị trường, sau đó chuyển giao cho nông dân. Sản phẩm khu vực này sẽ bán vào những thị trường ngách. Tuy nhiên, hiện nay thiếu một người nhạc trưởng trong tạo ra mối liên kết sản xuất nông nghiệp.

Khác với cách "giải cứu vỉa hè”, Viettel Post cho biết đã ứng dụng công nghệ bán nông sản trực tiếp từ bà con đến người tiêu dùng thông qua sàn thương mại điện tử Vỏ Sò (Voso.vn) cũng như hệ thống logistics thông minh. Sau khi hướng dẫn nông dân đẩy sản phẩm lên sàn Vỏ Sò, Viettel Post đã gom tất cả các đơn hàng, ghép nông sản Hải Dương thành 1 tuyến, dùng xe ô tô vận chuyển theo lô, giao hàng tới tận tay người tiêu dùng.

Để nhanh chóng hỗ trợ thu mua, Viettel Post đã sử dụng tính năng mua chung và Vỏ Sò sẽ đứng ra như một "nhà cung cấp" phân phối đến người tiêu dùng. Các chuyên gia của Vỏ Sò cũng đến tận nơi hướng dẫn, đào tạo và đồng hành với bà con nông dân cách bán hàng trên sàn, cùng thực hiện livestream ngay tại vườn, hỗ trợ giải pháp quảng cáo số để thúc đẩy hoạt động bán sớm nhất.

Ông Trần Trung Hưng, Tổng Giám đốc Viettel Post cho biết, thống kê đến ngày 7/3, sàn Vỏ Sò đã giúp nông dân tiêu thụ được hơn 7 tấn rau củ, 850 con gà và 80.000 quả trứng. Gần 2.000 đơn hàng đã đến tay khách hàng, đảm bảo thời gian giao phát và chất lượng sản phẩm tươi ngon. Đặc biệt, lượng traffic đổ về các gian hàng nông sản trên trang Voso tăng 35% so với trước đây chứng tỏ mức độ quan tâm của khách hàng tới nông sản trên các sàn thương mại điện tử đang có chiều hướng tăng và dần định hình thành thói quen tiêu dùng mới.

 

Nông dân cần làm quen với thương mại điện tử

Tương tự Viettel Post, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cũng vào cuộc tham gia giải cứu nông sản bằng cách tạo gian hàng và đưa sản phẩm lên sàn Postmart.vn. Nhân viên kinh doanh của sàn trực tiếp đến tận vườn của người dân địa phương để khảo sát nguồn cung ứng sản phẩm, đánh giá chất lượng và triển khai hướng dẫn người dân cách tạo gian hàng đưa sản phẩm lên Postmart.vn. Ông Đào Duy Toàn, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Hải Dương cho biết, trung bình mỗi ngày bưu điện tiếp nhận từ 7 - 10 tấn hàng giao dịch qua Postmart.vn. Người nông dân Hải Dương giờ đang dần tiếp cận công nghệ bán hàng mới, tự làm chủ gian hàng của mình trên một sàn thương mại điện tử mà không cần hằng ngày phải chở nông sản đi bán "rong".

Hệ thống siêu thị Vinmart cũng đẩy mạnh bán hàng từ xa qua website, tổng đài tại các tỉnh cần giải cứu nông sản để bán hàng, giải cứu nhanh hơn. Website www.foodmap.asia ngoài việc tận dụng công nghệ để giúp người dùng đầu cuối tiếp cận thông tin nông sản dễ dàng hơn còn thu mua nông sản và hỗ trợ nhà sản xuất trong vấn đề xây dựng bao bì và thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm. Trong đó, sẽ ưu tiên thực hiện các chiến dịch bán hàng cho từng loại nông sản khác nhau.

Theo các chuyên gia, ứng dụng công nghệ để giải cứu vẫn là biện pháp trước mắt. Về lâu dài việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số sẽ giúp giảm bớt tình trạng phải giải cứu và xa hơn là giúp nông nghiệp phát triển bền vững hơn. Chính quyền các tỉnh cũng cần thành lập các đầu mối, ứng dụng mạng xã hội để kết nối thông tin giúp các hộ nông dân và các nhà thu mua tiêu thụ sản phẩm.

Thời gian qua, các sàn thương mại điện tử đã giúp tiêu thụ nhiều sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP (thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm) tiếp cận hàng triệu người tiêu dùng trong cả nước. Đây là một công cụ hữu hiệu, có thể giúp các hộ nông dân thoát cảnh ế hàng, thất thu. Mua hàng theo cách "giải cứu" chỉ là hành động hỗ trợ nhất thời nên việc tạo dựng các gian hàng trên sàn thương mại điện tử nhằm ứng dụng công nghệ số sẽ giúp các hộ nông dân tiêu thụ nông sản theo cách mới, hiệu quả và bền vững hơn.

Bằng cách này, người dân có thêm một phương thức bán hàng mới, quảng bá toàn cầu, liên kết giao thương mạnh mẽ hơn, dẫn đến hiệu quả kinh tế cao và ổn định. Ngay cả khi tình hình dịch bệnh lắng xuống, các gian hàng trên sàn thương mại điện tử sẽ tiếp tục duy trì là công cụ hữu hiệu để kết nối các hộ sản xuất với người tiêu dùng, tạo uy tín, thương hiệu cho nông sản, đặc sản các tỉnh. Xa hơn nữa là ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp cho các địa phương.

Bộ NN&PTNT cũng cho biết, đang cùng Bộ TT&TT xây dựng ý tưởng trình Chính phủ xây dựng đề án đưa công nghệ thông tin và chuyển đổi số trở thành một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Đề án tập trung chủ yếu vào hạ tầng kết nối, băng thông rộng và dữ liệu nông nghiệp, nông thôn, nhằm đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Tuyết Vân