Đây là một loại u phát triển tiềm tàng, ít khi phát hiện được sớm nên xâm lấn nhiều nơi và dù lành tính cũng dễ gây tử vong.
7 tháng u nặng 4kg
Ông T.V.C. (44 tuổi ở Châu Thành, Hậu Giang) đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa T.Ư Cần Thơ khám ngày 29/3 trong tình trạng mệt nhiều, khó thở, nặng ngực. Sau khi nhập viện, các bác sĩ tiến hành kiểm tra, kết quả CT Scan ghi nhận bệnh nhân bị khối u choán chỗ to, đậm độ, mô mềm mỡ ở vị trí trung thất trên và gần toàn bộ phổi (P), chèn ép gây xẹp phổi (P). Được biết, bệnh nhân phát hiện khối u cách đây khoảng 7 tháng nhưng điều trị không liên tục. Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và quyết định phẫu thuật.
BSCKII Trần Công Chất, Phó khoa Ngoại Tổng hợp phụ trách phân khoa Ngoại Lồng ngực – Mạch máu và ê kíp thực hiện mở đường giữa xương ức bóc tách và lấy trọn khối u trung thất nặng khoảng 4kg. Sau mổ 1 ngày bệnh nhân đã tỉnh, tiếp xúc tốt, da niêm hồng, đã ngưng máy thở, thông khí phổi tốt, kết quả kiểm tra X-quang phổi nở tốt.
BSCKII Trần Công Chất cho biết, khối u trung thất to, choán chỗ và chèn ép gây xẹp phổi (P) đẩy tim và các mạch máu xuất phát từ tim lệch trái, tính chất khối u dạng đặc có nang, có vôi hóa và mô mỡ... mẫu tế bào được đưa đi kiểm tra giải phẫu bệnh. Trên lâm sàng bệnh nhân khó thở, phù áo khoác (kiểu phù do ứ đọng tuần hoàn tập trung ở cổ, vai) nếu không được phẫu thuật kịp thời bệnh nhân có thể tử vong.
Phát hiện sớm tránh tử vong
TS Đỗ Đức Cường, Chủ nhiệm Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, u trung thất khổng lồ không phải là hiếm gặp. Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, cũng thường cắt những khối u trung thất lớn, chẳng hạn như khối u trên bệnh nhân Nguyễn Ngọc D. (79 tuổi ở Hà Nội) có kích thước 10,3x13,3x14,2cm xâm lấn đè đẩy khí quản và phế quản gốc phải ngang mức gây hẹp 70% lòng phế quản phải...
U trung thất có rất nhiều biểu hiện lâm sàng, phụ thuộc vào vị trí và tình trạng chèn ép, xâm lấn các thành phần trong trung thất như chèn ép tĩnh mạch chủ trên gây phù dưới mặt, cổ, ù tai, chóng mặt sau đến phù cả tay và cẳng tay, các tĩnh mạch cổ, tĩnh mạch nông ở trước ngực giãn, nổi rõ, hố trên đòn bị đầy do phù; Chèn ép đường thở gây khó thở, ho khan; Chèn ép dây thần kinh quặt ngược trái gây khó phát âm, khàn tiếng; Chèn ép dây thần kinh hoành, chèn ép thực quản... Tình trạng bệnh nặng có nguy cơ tiến triển suy hô hấp. Khi suy hô hấp, nguy cơ tử vong rất nhanh.
Điều đáng nói là các u trung thất thường tiềm tàng, ít khi phát hiện sớm nên rất nguy hiểm. Nếu thấy các biểu hiện: Ho, khó thở, đau ngực, khó nuốt, nấc, khàn tiếng, hạch vùng cổ trên xương đòn...thì cần đi khám chụp X-quang phổi và chụp cắt lớp lồng ngực để phát hiện sớm bệnh.
BSCKII Trần Công Chất cũng cho biết, khối u trung thất có thể lành tính hoặc ác tính, chủ yếu được tạo ra từ các tế bào mầm hoặc tế bào tăng sinh trong mô tuyến ức, mô thần kinh, mô bạch huyết. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện, phẫu thuật loại bỏ kịp thời có thể chèn ép vào tim, phổi, mạch máu lớn cản trở quá trình tuần hoàn, hô hấp. Bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng như: đau ngực, khó thở, ho ra máu, sụt cân, suy yếu cơ thể. Nếu khối u ác tính có thể di căn đến màng tim, phổi đe dọa tính mạng của người bệnh. Vì vậy, các khối u trung thất cần được chẩn đoán, phát hiện, và xử trí kịp thời để tránh các biến chứng có thể gây tử vong.