Doanh nghiệp

Tỷ phú Travis Kalanick – “Con sói cô độc”

Thủ lĩnh của Uber đang dần khẳng định hướng đi đúng đắn của mình trong kinh doanh. Thậm chí Travis Kalanick còn được đánh giá là một trong những doanh nhân mạnh nhất thung lũng Silicon bởi trong vòng 5 năm, Kalanick đã kiếm được 5 tỷ USD.

2 lần khởi nghiệp thất bại

Tài năng và tham vọng của Kalanick sớm thành hình ngay trong những năm tháng ông theo học tại trường Đại học Carlifornia. Ở đó, ông cùng 6 người bạn thân của mình đã cùng nhau sáng lập nên Scour.com. Ban đầu, họ dự kiến đây sẽ là một công cụ tìm kiếm các trang web trên Internet, thế nhưng nó nhanh chóng biến thành một hệ thống chia sẻ dữ liệu trực tuyến với hơn 250.000 người dùng. Tiềm năng của Scour và khao khát kinh doanh khiến Kalanick cùng những người bạn của mình đã bỏ học để phát triển nó.

Thế nhưng chỉ 2 năm sau khi Kalanick quyết định bỏ học để phát triển Scour, dịch vụ này phải đối mặt với vụ kiện của hơn 30 công ty hoạt động trong lĩnh vực ghi âm và sản xuất phim. Nhóm các nhà sản xuất cáo buộc Scour vi phạm bản quyền và đòi khoản tiền phạt lên đến 250 tỷ USD. Tất nhiên điều đó là không tưởng đối với startup còn non trẻ này và sức ép của vụ kiện khiến công ty đầu tiên của Kalanick bị phá sản vào năm 2000.

Gần như ngay lập tức sau đó, ông cùng Michael Todd và đội ngũ kĩ sư của Scour bắt tay vào xây dựng startup thứ 2 của họ: RedSwoosh. Dự án này cũng vẫn là một hệ thống chia sẻ dữ liệu và lần này thì hoàn toàn hợp pháp. Đáng tiếc là khi mà mọi hoạt động vẫn đang trôi chảy, RedSwoosh bị Sở Thuế Hoa Kỳ (IRS) sờ gáy vì phát hiện gian lận trong việc nộp thuế thu nhập cho nhân viên. Điều đáng nói là vụ việc này lại do đồng sáng lập Todd gây ra và những người khác không hề biết chuyện đó. Nhóm sáng lập cuối cùng phải trả 110.000 USD cho IRS để tránh việc ngồi tù.

Vụ việc khiến nội bộ RedSwoosh bị chia rẽ và công ty không tìm ra được lối thoát, bản thân Kalanick cũng không thể làm gì hơn. Năm 2007 Kalanick cuối cùng đã bán RedSwoosh cho Akamai với cái giá 19 triệu USD và trở thành triệu phú. Tuy vậy, đây vẫn được coi là một thất bại với một người giàu tham vọng như Kalanick.

 Duyên phận với Uber

Sự thất bại của 2 dự án khởi nghiệp đầu tay khiến Kalanick mất dần niềm tin vào thị trường. Ông đi du lịch vòng quanh thế giới suốt 1 năm để hưởng thụ cuộc sống của một triệu phú đô la. Mọi chuyện có lẽ sẽ tiếp tục ảm đạm như vậy nếu ông không có cuộc gặp gỡ lịch sử với Garrett Camp – khi đó vừa bán đi StumbleUpon với giá 75 triệu USD.

Kalanick bị ấn tượng mạnh về câu chuyện thuê xe hơi xa xỉ với cái giá chưa đến 800 USD của Camp, và cả 2 đều cho rằng nếu có thể giảm con số tiền thuê xuống, đấy sẽ là một dịch vụ tuyệt vời. Thế là 2 người đàn ông này đã cùng nhau tạo nên UberCab – tiền thân của Uber ngày nay.

Thế nhưng để tạo nên UberCab, Kalanick không thể không nói lời cảm ơn tới Ryan Graves. Vào thời điểm Kalanick đang suy nghĩ về ý tưởng cho dịch vụ của mình, ông đã cầu cứu tới Twitter. Ông đã đăng một dòng tweet: “Tôi đang cần lời khuyên cho một sản phẩm mới. Một ý tưởng về dịch vụ theo địa điểm, thứ đem lại công bằng và là một sự đột phá lớn. Ai cho tôi lời khuyên chứ?”.

Ryan Graves khi đó là người có kinh nghiệm trong quản trị dữ liệu theo địa điểm tại tập đoàn xe hơi General Electric đã phản hồi lại và giúp đỡ Kalanick để cùng nhau xây dựng ý tưởng sản phẩm, mô hình lái xe, cách thức hoạt động… Nhờ sự giúp đỡ này, UberCab mới có thể ra đời ở San Francisco sau đó.

Ban đầu, UberCab là một dịch vụ chỉ dành cho việc thuê xe hơi sang trọng. Về sau, khi nhận ra sự thay đổi của thị trường và tiềm năng của dịch vụ này, UberCab phát triển mạnh hơn và mở rộng thị trường ra tất cả các loại xe và trở thành một dịch vụ đặt xe qua smartphone. Nó phát triển nhanh chóng cho đến tháng 10/2010 khi bị chính quyền địa phương đình chỉ kinh doanh. Lý do là bởi chữ Cab trong UberCab là dành cho các dịch vụ taxi, mà UberCab rõ ràng không hề đăng kí hoạt động như một hãng taxi thực sự. Vậy là cái tên Uber chính thức ra đời và tồn tại cho đến ngày nay.

Từ một dịch vụ đặt xe limousine dành cho thành phố thành phố San Francisco, giờ đây Uber đã có mặt tại 58 quốc gia, hơn 300 thành phố và hợp tác với hàng trăm ngàn tài xế trên toàn thế giới. Lần gần đây nhất công bố, giá trị của Uber đã vượt qua con số 41 tỷ USD và dự kiến nó sẽ tăng lên đến 50 tỷ USD vào cuối năm nay.

Con sói mới của thung lung Silicon

Nói đến Kalanick, người ta nhận xét ông như sau: Một người đàn ông nhiệt huyết, hoạt ngôn, rất hiếu chiến nhưng đầy bản lĩnh. Điều đáng ngạc nhiên ở Kalanick đó là ông luôn hăng hái nhất trong các cuộc tranh luận, sẵn sàng vùi dập đối thủ không thương tiếc nhưng lại biết giữ điểm dừng hợp lý. Ở Kalanick có một sự cân bằng tuyệt vời, thứ giúp ông tạo ra những điều phi thường.

Hãy nhắc lại về startup đầu tiên của ông: Scour.com. Khi mà công ty này chịu hàng tá những đơn kiện tụng và sức ép khủng khiếp, Kalanick vẫn không chịu từ bỏ. Người đàn ông này vẫn dành hàng giờ để nói chuyện với đối tác với hy vọng cứu vãn mọi chuyện. Những cuộc điện thoại kéo dài thậm chí qua hàng đêm để Kalanick có thể thuyết phục các đối tác rằng họ vẫn còn hy vọng. Ông không từ bỏ, vì ông cho rằng nếu để mất sự tự tin, tâm lý thất bại sẽ sớm nghiền nát chính mình.

Sự thất bại của Scour không làm lu mờ đi cá tính mạnh mẽ của Kalanick. Trong quá trình phát triển Uber, ông phải kiên nhẫn di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác để phát triển dịch vụ. Những nơi mà ông đến đều có sự phản đối của các hãng taxi địa phương và đôi khi là cả chính quyền. Thế nhưng với tinh thần quyết không nhượng bộ, Uber trong tay Kalanick vẫn len lỏi đến khắp mọi nơi và trở thành đối trọng lớn nhất hiện nay của các dịch vụ giao thông truyền thống.

Tính cách của Kalanick phản ánh lên chính Uber: tồn tại và phát triển mạnh mẽ bất chấp scandal mọc lên như nấm trên khắp thế giới.

Nếu có một câu chuyện nào đó có thể giúp chúng ta hiểu rõ được sự quyết liệt và có phần ma mãnh của Kalanick, thì đó là cái cách mà ông đè bẹp đối thủ của mình ở New York. Một dịch vụ đối thủ của Uber tại đây là Gett đã “sống dở chết dở” khi các nhân viên Uber được giao nhiệm vụ gọi điện đặt dịch vụ của Gett liên tục và sau đó… hủy yêu cầu. Cách làm này có 2 tác dụng: khiến cho Gett tốn thời gian sắp đặt và xếp lịch với các cuộc gọi thật và làm cho chính cánh lái xe của Gett chán nản để từ đó, chuyển sang… Uber. Sau đó Uber đã có lời xin lỗi trên website nhưng lúc này thì mọi sự đã rồi.

Còn có một câu chuyện khác đủ để thể hiện tính “ăn thua” mạnh mẽ của Kalanick. Ông không bao giờ cúi đầu trước khó khăn, dù đó chỉ là một trò chơi điện tử. Ông từng nói: “Nếu ai đó đưa đến cho tôi một trò chơi và nói với tôi rằng ‘Ok, đây là kỉ lục thế giới mới’, tôi sẽ tiến lên và chinh phục nó. Ở đỉnh cao, tôi đã từng lọt vào top 7 về điểm trên Angry Bird“.

Travis không đùa về chuyện đó. Một vài năm trước, ông được nhà đầu tư nổi tiếng Chris Sacca mời về nhà trong một kì nghỉ đông. Một buổi sáng trước khi đi trượt tuyết, CEO của Uber được cha của Sacca đề nghị một trận đấu tennis trên máy Wii. Cha của Sacca có lí do để làm việc đó khi ông là một tay chơi tennis khá tốt ở ngoài đời và thường xuyên luyện tập với chiếc máy Wii. Thế nhưng kết quả thật bất ngờ khi Travis thắng mọi trận đấu với cha của Sacca. Nhã nhặn bắt tay với người đàn ông lớn tuổi đang chịu cảm giác thất bại, Travis mở bảng xếp hạng toàn cầu của Wii Tennis: ông đang đứng ở… vị trí thứ 2.

Chris Sacca đã nói về Kalanick như sau: “Tôi biết về anh ấy và gần như bị ám ảnh bởi cái cách mà anh ấy đạt được mục tiêu mà mình đặt ra. Nếu muốn nghiên cứu một ngành mới, anh ấy sẽ trở thành chuyên gia thực sự trong vài ngày. Nếu muốn tìm hiểu một thành phố mới, anh ấy sẽ chỉ mất 24h với một chiếc balo nhỏ để làm quen với người dân địa phương. Và nếu muốn chinh phục trò chơi Wii Tennis, ngay cả khi bận rộn với công việc của một trong những startup phát triển nhanh nhất lịch sử, bạn chỉ cần dành cho anh ấy vài tuần“.

Trên Twitter của mình, Sacca còn viết: “… Cũng giống như việc tôi biết Larry Page (đồng sáng lập Google) thông minh thế nào, tôi sẽ không bao giờ, không bao giờ muốn đối đầu với Travis”.

Kalanick từng nhận định mình giống như một “con sói cô độc” trong giới doanh nhân. Và có lẽ nhận định này không sai chút nào.

 Một doanh nhân đích thực

Ở Kalanick, người ta sẽ học được nhiều bài học dành cho việc khởi nghiệp. Ông không hề hái quả ngọt ngay lập tức như Mark Zuckerberg, cũng không có sự phát triển đầy thuận lợi như Evan Spiegel. Những gì mà Kalanick có được ngày hôm nay đã phải được đánh đổi bằng những thất bại cay đắng, bằng những quãng thời gian khó khăn khi khởi nghiệp và thậm chí là cả sự đối đầu với xã hội.

Khi được hỏi về Kalanick, tỷ phú Mark Cuban – nhà đầu tư nổi tiếng đã nói như sau: “Travis là một người thông minh. Một gã cực kỳ chăm chỉ và là một doanh nhân đích thực. Không còn lời khen nào hơn thế nữa“.

Hoàng Bách (tổng hợp)